Váy mới đón xuân

Thứ Hai, 23/01/2023, 06:37 [GMT+7]

Điện Biên TV - Từ thị xã Mường Lay dọc theo quốc lộ 12 về Mường Chà sẽ đi qua các bản Cổng Trời, Sa Lông. Đây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông, ngành Mông đỏ, hay còn gọi là Mông hoa. Những ngày giáp Tết, chị em phụ  nữ nơi đây tất bật với việc thêu may váy áo. Tự thêu máy váy áo mới để có trang phục đẹp nhất đón Tết, chơi xuân là một phong tục truyền thống có từ ngàn đời của dân tộc Mông.

Dân tộc Mông chiếm 1/3 dân số toàn tỉnh Điện Biên. Họ sinh sống ở hầu khắp các huyện, thị, thành phố, song nhiều nhất vẫn là ở các huyện vùng cao Tủa Chùa, Tuần Giáo, Nậm Pồ, Mường Chà, Mường Nhé, Điện Biên Đông. Từ xa xưa, họ luôn chọn địa hình vùng cao của miền núi để sinh sống. Bởi vậy, người Mông ở bất kỳ đâu cũng luôn sống với tâm thế chấp nhận khó khăn và thử thách của thiên nhiên như một định mệnh.

Địa hình sinh sống phản ánh được tính cách, lối sống ứng xử đầy bản lĩnh, phóng khoáng và mạnh mẽ trước thiên nhiên của họ. Cũng bởi sinh sống ở vùng núi cao, cách xa trung tâm xã, huyện mà đời sống của họ theo hướng tự cung tự cấp từ nhiều đời. Có lẽ cũng bởi vậy mà người Mông cái gì cũng biết, việc gì cũng giỏi từ rèn dao, rèn cuốc xẻng, làm giấy, làm hương đến tự làm trang phục để mặc.

1
Mùa Tết cũng là mùa những người phụ nữ Mông hối hả nhanh tay hoàn thiện những bộ váy áo mới để diện Tết, đón xuân.

Bước vào tháng Chạp hàng năm, chính là thời điểm những người đàn ông dân tộc Mông ghép xong khèn và mang ra thổi đón xuân… Rượu “Mông pê” đã nấu đầy can chờ khách quý về chơi Tết… Đây cũng chính là lúc những người phụ nữ dân tộc Mông hối hả nhanh tay hoàn thiện những bộ váy áo mới để diện Tết, đón xuân.

Việc thêu may váy áo của chị em phụ nữ dân tộc Mông được duy trì thường xuyên suốt cả năm như vậy. Song thời điểm khoảng tháng 11, 12 hàng năm là lúc mùa màng đã thu hoạch xong, chị em có nhiều thời gian hơn để hoàn thiện những bộ váy áo mới trước khi đến Tết. Đây chính là mùa may áo mới.

Để hoàn thiện một chiếc váy, người Mông vận dụng nhiều kỹ năng một cách thuần thục như dệt, thêu, ghép và vẽ trên vải. Mỗi phương pháp đều có những đặc điểm kỹ thuật riêng, biết tận dụng những ưu điểm để bổ sung cho nhau, tạo thành một chiếc váy hoàn chỉnh. Hầu hết các công đoạn đều làm bằng phương pháp thủ công. Chỉ có việc ghép nối các mảnh vải đã thêu thùa là sử dụng máy khâu để việc may vá hoàn thiện nhanh hơn.

1
Hoa văn trên trang phục của người Mông được vẽ thủ công bằng sáp ong với những họa tiết đặc trưng riêng.

Trong các công đoạn, đáng chú ý nhất là công đoạn chế sáp ong để vẽ. Sáp ong có màu vàng là sáp non, màu đen là lớp sáp già, lấy hết mật rồi nấu mỗi loại một nồi khác nhau cho đến khi nóng chảy, đem đổ ra bát riêng. Lấy một lượng sáp đen vừa đủ, trộn đều với một lượng sáp vàng tương ứng và đặt lên bếp. Khi bắt đầu vẽ sáp lên váy thì nấu hai loại sáp này trộn với nhau để chảy ra. Khi đun sáp, luôn phải giữ lửa đều ở nhiệt độ 70 - 80 độ, sáp mới không bị khô.

Để vẽ sáp ong lên vải phải dùng bút vẽ. Gọi là bút, nhưng kỳ thực đó là một thanh tre nhỏ dài khoảng 7cm, ngòi bút là một lá đồng bé xíu hình tam giác được nẹp vào thanh tre. Ngòi bút càng mỏng hoa văn vẽ càng đẹp và dễ. Khi vẽ, người vẽ luôn phải ngồi bên bếp lửa, chấm bút vào chảo sáp ong đang nóng đặt trên than hồng, đưa tay kẻ những đường thẳng trên vải. Khi kẻ, phải giữ sao cho lượng sáp chảy đều, không loang lổ cho đến hết rồi mới chấm bút vào sáp tiếp nét vẽ.

Hoa văn trên trang phục được sáng tạo và lấy cảm hứng từ thiên nhiên, cuộc sống lao động và thể hiện những khát vọng cao đẹp của người Mông gồm các họa tiết: Hình học, hình núi, hình rẻ quạt, hình răng cưa, chấm tròn kích thước to nhỏ khác nhau hay những đường gạch dài và ngắn song song; hoa văn hình rích rắc, hình ô trám, hình xoắn ốc...v.v.

1
Bộ trang phục của người phụ nữ Mông như tô thêm sắc xuân thêm rực rỡ...

Đặc biệt, người Mông có những bí quyết tạo họa tiết hoa văn trên vải hết sức độc đáo và phong phú. Họ thêu không có mẫu vẽ sẵn mà bằng trí nhớ, thêu ở mặt trái, hoa văn hiện lên ở mặt phải vải với các mô-típ hoa văn phong phú hàm chứa những giá trị đẹp đẽ.

Chiếc váy của phụ nữ dân tộc Mông không chỉ đáp ứng nhu cầu mặc mà còn mang tính thẩm mỹ. Váy được thêu đẹp chính là thước đo độ khéo tay của phụ nữ Mông. Chính bởi vậy mà việc thêu thùa may vá vẫn luôn được truyền từ đời này qua đời khác trong các thôn bản nơi người Mông sinh sống. Mẹ truyền, con nối, cứ như vậy mà ngày nay trong khắp các bản của người Mông vẫn còn lưu giữ được trang phục truyền thống. Người Mông vẫn ưa chuộng mặc trang phục truyền thống quanh  năm.

Những bộ trang phục mới nhất, đẹp nhất sẽ được chị em phụ nữ dân tộc Mông diện vào trong những ngày Tết, những ngày hội xuân của bản, của xã. Bởi vậy mà mùa xuân vùng cao dù có hoa đào thắm bản, hoa ban, hoa mận nở trắng rừng thì những chiếc váy hoa của phụ nữ dân tộc Mông vẫn là kiệt tác đẹp nhất!

 

 

Hoàng Giang - Huy Long/DIENBIENTV.VN
 

.