Mường Lay rộn ràng ngày giáp Tết

Thứ Bảy, 21/01/2023, 06:29 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thị xã Mường Lay nằm phía Bắc của tỉnh Điện Biên với 9 dân tộc anh em cùng sinh sống. Không những mang vẻ đẹp thơ mộng của thị xã “trên bến dưới thuyền” mà Mường Lay còn là thủ phủ của người Thái, ngành Thái trắng với gần 70% dân số của thị xã là người Thái. Những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, bà con người Thái trắng Mường Lay rộn ràng chuẩn bị đón Tết với những phong tục truyền thống đã có từ lâu đời.

Mường Lay - “thị xã nhà sàn” nằm giữa ngã ba sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Cư dân nơi đây tự hào gọi nơi họ ở  là “thị xã nhà sàn” phần là để miêu tả về nơi họ sinh sống với những mái nhà sàn truyền thống dân tộc Thái lợp bằng đá đen san sát phủ kín cả thị xã. Phần vì thể hiện văn hóa đặc trưng ở Mường Lay chính là gắn với đồng bào dân tộc Thái, ngành Thái trắng. Diện mạo của thị xã đã đổi thay theo năm tháng, song nhiều nét văn hóa của cộng đồng người Thái trắng thì vẫn còn vẹn nguyên. Vào mùa xuân, những nét văn hóa đặc trưng của người Thái trắng đã làm cho mảnh đất Mường Lay trở nên rộn ràng hơn.

1
Mường Lay - “thị xã nhà sàn” nằm giữa ngã ba sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay

Cũng giống như nhiều dân tộc khác, Tết là thời điểm con cháu nhớ về tổ tiên, ông bà, cũng bởi vậy mà nghi lễ thờ cúng được chuẩn bị chu đáo, thành tâm. Nghệ nhân ưu tú Vàng Văn Thức ở phường Na Lay, thị xã Mường Lay cho hay: Thờ cúng tổ tiên là phong tục có từ lâu đời của người Thái. Phong tục này có những thay đổi linh hoạt tùy theo từng bản, từng dòng họ, từng nếp gia đình. Thế nhưng đều giống nhau là cứ vào những ngày cận kề Tết, người đàn ông trong gia đình sẽ thắp hương báo cáo tổ tiên cho phép được dọn ban thờ sạch sẽ, mời tổ tiên, ông bà về vui Tết với cháu con. Sau khi dọn ban thờ sạch sẽ các phần lễ vật như hoa quả, trà bánh được dâng lên trước. Đêm giao thừa là thời điểm mọi nhà dâng cỗ mặn.

Nếu như những người đàn ông trong gia đình chuẩn bị nghi lễ tâm linh thờ cúng tổ tiên thì những người phụ nữ cũng có vai trò nhất định. Đã từ lâu đời để chuẩn bị đón Tết, những người phụ nữ dân tộc Thái sẽ chuẩn bị những loại bánh truyền thống của dân tộc gồm: bánh khẩu xén, chí chọp, bánh chưng; thịt sấy, lạp sườn,… Nếu như vào dịp Tết, người Kinh gói bánh chưng vuông, người Mông giã bánh dày, thì người Thái không thể thiếu bánh chưng gù. Bánh để dâng lên tổ tiên, ông bà trong mân cúng ngày Tết, ngoài ra còn là để mừng tuổi cháu con.

1
Chị em phụ nữ dân tộc Thái tại Mường Lay quây quần gói bánh chưng gù để dâng lên tổ tiên trong mâm cỗ cúng ngày Tết.

Cùng với bánh chưng gù, một loại bánh không thể thiếu để người Thái trắng Mường Lay dâng lên tổ tiên trong ngày Tết chính là bánh khẩu xén, bánh chí chọp. Đây là những loại bánh làm từ sắn hoặc gạo nếp. Ngày xưa các bà, các mẹ, các chị chỉ làm bánh hoàn toàn bằng thủ công và cũng chỉ làm vào dịp Tết. Nhưng đến thị xã Mường Lay hôm nay, ngày nào bà con cũng làm bánh khẩu xén, bởi họ đã đưa loại bánh truyền thống này thành hàng hóa, trở thành sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ. Dẫu là đã thương mại hóa như vậy, nhưng mẻ bánh làm để đón Tết bao giờ cũng được chăm chút hơn, tỉ mỉ hơn là sự thành tâm của cháu con dâng lên tổ tiên trong dịp Tết.

1
Bánh khẩu xén - loại bánh được làm từ củ sắn hoặc gạo nếp đã trở thành loại bánh đặc sản riêng có tại Mường Lay.

Mùa xuân mới về trên thị xã Mường Lay - một thị xã mênh mang sông nước lòng hồ thủy điện Sơn La đã có nhiều đổi thay sau hơn chục năm tái định cư. Xuân nào vui hơn là xuân có ấm no, hạnh phúc. Bởi có mùa xuân ấm no, hạnh phúc nên câu hát “Inh lả ơi” cũng rộn ràng hơn, tiếng đàn tính tẩu cũng âm vang hơn và những điệu xòe Thái, múa nón, múa khăn cũng nhịp nhàng hơn nơi ngã ba sông yêu thương./.

 

 

Hoàng Giang - Huy Long/DIENBIENTV.VN

 

.