"Đường" khó đến trường

Thứ Sáu, 27/08/2021, 16:02 [GMT+7]

Điện Biên TV - Mồ côi, khuyết tật, nghèo khó… những học sinh thuộc diện đặc biệt khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi, nhưng các em luôn có khát vọng vươn lên trong học tập và cuộc sống. Nhiều em trong diện đặc biệt khó khăn có thành tích học tập tốt nhưng việc theo học của các em lại đầy gian nan. “Đường” tới trường của các em gập ghềnh hơn ai hết. Năm học mới đã cận kề nhưng hành trang đến trường của các em chưa có gì, ngoài nghị lực.   

Trường hợp của em Lù Văn Đức ở bản Bông xã Quài Tở là một trong nhiều trường hợp học sinh thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Tuần Giáo. Nhà Đức có 2 anh em và cả 2 đều đang theo học, Đức năm nay vào lớp 10 và em trai Đức là Lù Văn Nguyên năm nay vào lớp 8. Để có thể theo học được từ nhỏ đến nay là nỗ lực rất lớn của cả 2 anh em và cô, dì, chú bác trong họ. Bởi hoàn cảnh của gia đình Đức vô cùng khó khăn.

Do đó, việc học của Đức và Nguyên thiếu thốn đủ bề, nhu cầu đầu năm học của 2 anh em cũng như bao bạn khác nhưng vì hoàn cảnh, các em phải hạn chế hết mức để giảm chi tiêu.

Cũng ở xã Quài Tở còn nhiều trường hợp học sinh thuộc diện đặc biệt khó khăn khác, “đường” tới trường của các em chưa biết khi nào mới hết “chông gai”. Em Lò Thị Liêm, học sinh lớp 8 trường THCS-THPT Quài Tở là con thứ 2 trong gia đình có 3 chị em. Bố Liêm mất sớm do bệnh hiểm nghèo, chỉ còn mình mẹ gồng gánh cuộc sống cho cả nhà. Trong khi đó, chị cả của Liêm lại khuyết tật về trí não, nay đã 17 tuổi nhưng mọi sinh hoạt đều phải phụ thuộc vào người khác. Đã vậy, nhà lại gần như không có tài sản gì, kể cả tấc đất “cắm dùi”. Túp lều đúng nghĩa của 4 mẹ con đang ở cũng được dựng trên mảnh đất của bác trai Liêm cho. Cuộc sống chồng chất khó khăn.

1
4 mẹ con em Lò Thị Liêm hiện đang sống trong túp lều được dựng trên phần đất của người bác cho.

Cũng bởi đặc biệt khó khăn nên mọi chi phí học tập của chị em Liêm đều phụ thuộc vào chế độ của nhà nước. Họa hoằn mẹ Liêm mới đóng góp được chút ít, còn lại đều nhờ cả vào cô giáo, nhà trường và cộng đồng.

 “Con đường” đến trường của Liêm và em trai phụ thuộc chủ yếu vào chính sách dành cho người nghèo của nhà nước và sự giúp đỡ của cộng đồng. Trong khi đó, mức hỗ trợ của nhà nước thì có hạn, cộng đồng giúp đỡ thì bấp bênh, những thiếu thốn của các em khó có thể được bù đắp kịp thời và đầy đủ. Mặc dù vậy, Liêm vẫn nỗ lực theo học và luôn đạt kết quả cao trong học tập. Nhưng Liêm cũng chưa chắc, mình có thể theo học được đến khi nào.

Cũng như hoàn cảnh của anh em nhà Đức - Nguyên hay của chị em Liêm ở Quài Tở, trường hợp của anh em nhà Lò Văn Huy và Lò Thị Giang ở bản Chứn, xã Mường Thín cũng vô cùng éo le. Bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng khác, bỏ 2 anh em cho ông bà ngoại. Trong khi đó, ông bà cũng thuộc diện nghèo, lại già yếu nên việc nuôi 2 anh em ăn học cũng đầy gian nan. Huy lại bị khuyết tật ở chân, đi lại hết sức khó khăn nên không thể tự đến trường. Năm nay Huy vào lớp 7, em gái Huy vào lớp 4, mọi chi phí để anh em Huy có thể đến trường phụ thuộc hoàn toàn vào chế độ dành cho người khuyết tật của Huy và sự giúp đỡ của nhà trường và cộng đồng.

1
Năm học mới đã cận kề nhưng hành trang đến trường của các em thuộc diện đặc biệt khó khăn vẫn chưa có gì, ngoài nghị lực.  

Dù nghèo khó nhưng đã đến lớp, anh em Huy cũng đều cần phải có những thứ cần thiết như các bạn để có thể duy trì được các hoạt động giáo dục tại trường. Nhưng đến giờ, anh em Huy vẫn chưa được mua sắm gì cho việc đi học. Từ quần áo, sách vở, đồ dùng học tập của các em chủ yếu chờ đợi vào sự hỗ trợ của cộng đồng.

Cùng xã với Huy cũng còn một số trường hợp đặc biệt khó khăn khác như bạn Lường Thị Nga. Gia đình cũng không có tài sản gì ngoài 300 m2 ruộng. Mỗi năm làm 1 vụ, được vài ba bao thóc, không đủ ăn cho cả nhà. Nương không có, bố mẹ cũng không có nghề gì và việc làm thuê cũng chỉ quanh quẩn trong bản, trong xã, bữa được, bữa không.

Những hoàn cảnh, những mảnh đời éo le đã khiến cho việc theo học của nhiều con em ở Tuần Giáo đầy gian nan, chưa biết tương lai ra sao. Dù có chính sách của nhà nước, dù có sự chung tay của cộng đồng, nhưng không gì bằng sự chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng và dạy bảo của chính cha mẹ hay người thân trong gia đình. Bởi vậy, các em không chỉ khó khăn trong hành trình tới trường, mà trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, các em cũng chịu nhiều thiệt thòi, khó có sự chia sẻ, giúp đỡ nào có thể bù đắp./.

 

 

Lê Dung - Trọng Lâm/DIENBIENTV.VN
 

.