No ấm từ cây cao su

Thứ Năm, 29/09/2022, 16:29 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hơn 14 năm bén rễ, phủ xanh hàng nghìn ha đồi trọc trên địa bàn tỉnh Điện Biên, ngoài giá trị kinh tế, cây cao su đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số với mức lương ổn định từ 5 triệu đồng/tháng trở lên. Từ cây cao su nhiều hộ đã thoát nghèo và có cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn.

Nông trường Cao su Điện Biên những ngày cuối tháng 9, ngày nào không khí làm việc cũng diễn ra khẩn trương để hoàn thành việc cạo mủ cao su trong sáng sớm. 14 năm cây cao su bén rễ, phát triển, trong đó 5 năm trở lại đây, cây cao su cho khai thác đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương với mức lương từ 5 triệu đồng/tháng trở lên.

Anh Giàng A Dế, bản Nậm Ty, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, chia sẻ: “Lúc đầu khai hoang vất vả nhưng từ khi cây cao su cho khai thác đến giờ anh em có trách nhiệm nâng cao tay nghề của mình và cuộc sống thu nhập hàng tháng đầy đủ, công ty trả lương kịp thời. Nói chung là sắm sửa được nhiều thứ trong gia đình, lo được cho con cái đi học, cuộc sống ấm no hơn hồi xưa nhiều”.

Ở bản Nậm Ty, xã Hua Thanh, nơi có gần 80% hộ nghèo, những năm trước  đây, việc làm công nhân cao su là điều khá mới mẻ. Thế nhưng, điều mới mẻ ấy đã tạo nên cuộc sống hoàn toàn khác biệt. Từ khi khoác lên mình màu áo xanh, nhiều công nhân Nông trường cao su là người dân tộc thiểu số ở đây đã có việc làm, thu nhập ổn định và từng bước thoát nghèo.  

1
Cây cao su đã tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động là người dân tộc thiểu số.

“Bây giờ hai vợ chồng đều đi làm công nhân cao su nên một tháng cũng thu về hơn 10 triệu đồng, mỗi người thu được hơn 5 triệu. Giờ cuộc sống của gia đình tôi cũng đỡ vất vả hơn so với làm nương. Cuộc sống ổn định, ấm no hơn trước đây rất nhiều, cũng sắm sửa được ti vi, tủ lạnh. Sáng đi làm công nhân cao su về mình còn có thời gian làm việc nhà, chăm sóc con cái”. - chị Sùng Thị Cú, bản Nậm Ty, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, nói.

Hiện nay tại tỉnh Điện Biên, Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên đã ký hợp đồng lao động với hơn 800 công nhân, trong đó có trên 700 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số; Công ty Cao su Mường Nhé cũng có vài trăm công nhân lao động. Ngoài mức lương theo hợp đồng, làm công nhân cao su, người dân còn được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và hỗ trợ làm nhà, tặng quà nhân dịp lễ, tết. Trước mắt, cây cao su đã giải quyết bài toán việc làm cho nhiều lao động địa phương và tiến tới là thực hiện các tiêu chí về nhà ở, thu nhập, hộ nghèo, cơ cấu lao động trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Nguyễn Công Tám, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên: “Chủ trương này đã đem lại trái ngọt, đem lại thành công lớn trong việc đưa cây cao su ra các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Điện Biên. Bên cạnh việc khẳng định cây cao su đem lại hiệu quả, giải quyết công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 4.116 hộ dân góp đất cho công ty trồng cao su đã được hưởng 10% . Vừa qua, công ty đã chi trả cho 4.116 hộ dân này với số tiền 9,6 tỷ đồng”.

Với đồng bào dân tộc thiểu số, mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng trong khoảng thời gian 3 giờ/ngày và từ 20 - 22 ngày trong 1 tháng tại chính nơi sinh sống là không hề nhỏ. Từ nguồn thu nhập ấy, cuộc sống của nhiều hộ nghèo đã được cải thiện, ngày càng no ấm và đủ đầy hơn./.

 

 

Hoàng Út - Đức Trung/DIENBIENTV.VN

 

.