Gỡ "nút thắt" cho các dự án mắc ca

Thứ Năm, 15/09/2022, 12:08 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đặt mục tiêu trở thành tỉnh trọng điểm cây mắc ca trong khu vực Tây Bắc, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã chủ động kêu gọi các nhà đầu tư phát triển cây mắc ca, xây dựng nhà máy chế biến mắc ca tại địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 13 nhà đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 15.500 tỷ đồng. Tuy nhiên khi triển khai, hầu hết các dự án mắc ca đều gặp khó khăn, vướng mắc dẫn đến tiến độ rất chậm.

Thời gian qua, việc triển khai các dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn luôn được tỉnh quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân. Song tính đến hết tháng 8/2022, toàn tỉnh mới đo đạc, quy chủ được gần 15.000 ha (đạt 17% tổng diện tích phải thực hiện đo đạc); diện tích đã trồng cây mắc ca là hơn 4.000 ha (đạt 4,7% so với quy mô và đạt 27% so với diện tích cam kết thực hiện của Nhà đầu tư đến năm 2022).

Riêng kế hoạch trồng mới mà các nhà đầu tư đã cam kết với tỉnh sẽ trồng mới trong năm 2022 là trên 8.550 ha, đến thời điểm này mới trồng được gần 860 ha (đạt 10% so với tổng diện tích cam kết). Nhiều nhà đầu tư gặp khó trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai.

1
Hiện nay, hầu hết các dự án trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh Điện Biên đều chậm tiến độ...

Ông Vũ Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần HD Kinh Bắc: “Trong qúa trình triển khai thực hiện dự án, các doanh nghiệp đều gặp những khó khăn, vướng mắc như nhau về vấn đề đất đai, dẫn đến việc triển khai thực hiện đều chậm so với kế hoạch ban đầu.”

Huyện Tuần Giáo là huyện có diện tích cây mắc ca đã trồng lớn nhất so với các địa phương trong tỉnh, nhưng cũng mới chỉ đạt hơn 1.400 ha, vẫn chậm tiến độ so với theo kế hoạch được chấp thuận là 2.000ha.

Theo bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần giáo, thời gian tới, huyện có các giải pháp thực hiện các mô hình thí điểm hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển mắc ca có sự liên kết sản xuất giữa nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân để cây mắc ca phát triển bền vững trên địa bàn.

1
... nguyên nhân chủ yếu đều do vướng mắc về vấn đề đất đai.

Tháo gỡ khó khăn cho các dự án trồng mắc ca trên địa bàn, ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang phối hợp với chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp. “Với 9 dự án trồng mắc ca hiện nay, để tháo gỡ khó khăn về đất đai thì trong năm 2022 - 2023, các địa phương phải tập trung đo đạc quy chủ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Vì trong vùng dự án bao gồm có cả đất lâm nghiệp chưa có rừng, tức là bao gồm rừng phòng hộ và rừng sản xuất.” - ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên, cho biết.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, trong một cuộc họp gần đây, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư trồng cây mắc ca chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; ưu tiên thực hiện trước ở các khu vực có dự án trồng cây mắc ca.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư dự án thực hiện công tác đo đạc, quy chủ, lập hồ sơ địa chính tại các dự án. Thường xuyên nắm tình hình, chỉ đạo, đôn đốc, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án, bảo đảm tiến độ đề ra./.

 

 

Đào Phương - Tiến Thành/DIENBIENTV.VN
 

.