Dẻo thơm hạt gạo Điện Biên

Thứ Ba, 27/09/2022, 14:46 [GMT+7]

Điện Biên TV - Từ mảnh đất chịu nhiều đau thương của bom đạn chiến tranh, cánh đồng Mường Thanh quanh năm được tưới mát bởi dòng Nậm Rốm chở nặng phù sa, ngày nay đã là vựa lúa lớn nhất cả vùng Tây Bắc. Từ những toan tính mùa vụ kỹ lưỡng với sự bền bỉ và nỗ lực của người nông dân, đến định hướng đúng đắn của các ngành, các địa phương trong chuyển đổi cơ cấu giống và liên kết sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, những hạt gạo dẻo thơm mang thương hiệu gạo Điện Biên, đã trở thành những hạt ngọc trời, khẳng định chất lượng và thương hiệu riêng có.

“Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” là câu nói truyền miệng, đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người dân Tây Bắc, như một lời khẳng định về cánh đồng rộng lớn bậc nhất vùng Tây. Cánh đồng Mường Thanh có diện tích 140km2, nằm trải dài hơn 20km trên các xã vùng lòng chảo Điện Biên với chiều rộng trung bình 6km. Với diện tích đất sản xuất lúa khoảng 4.000ha, năng suất bình quân đạt hơn 63 tạ/ha, như vậy trung bình mỗi năm cánh đồng Mường Thanh sản xuất trên 47.000 tấn lúa.

1
Sản phẩm gạo Điện Biên thơm ngon nức tiếng, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Để người nông dân gắn bó với cây lúa, kiên trì góp sức xây dựng thương hiệu gạo Điện Biên phát triển bền vững, với chính sách hỗ trợ đặc thù, từ năm 2017 tỉnh Điện Biên đã triển khai thí điểm Dự án cánh đồng lớn, nhằm liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao với quy mô hơn 30ha tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên.

Bên cạnh đó, các Hợp tác xã sản xuất lúa gạo cũng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nhằm khuyến cáo các hộ thành viên giảm dần diện tích gieo sạ, tăng diện tích cấy, đẩy mạnh cơ giới hóa và thực hiện các biện pháp khử lúa tạp.

Gia đình ông Nguyễn Mạnh Hà ở thôn C9, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên là một trong những hộ đầu tiên tham gia Dự án cánh đồng lớn.  Để nâng cao năng suất và chất lượng lúa, thay vì canh tác theo phương thức truyền thống là gieo vãi, ông Hà đã thực hiện làm mạ khay để cấy bằng máy trên diện tích hơn 7.000m2 sản xuất lúa trên cánh đồng Mường Thanh của gia đình. Có vụ năng suất của gia đình ông đạt 70 tạ/ha, trong khi chi phí sản xuất giảm mạnh.  

Từ thực tế có thể khẳng định, sản phẩm gạo Điện Biên thơm ngon nức tiếng xa gần với phẩm cấp và chất lượng gạo không đâu có được. Đây có thể coi là món quà do thiên nhiên ban tặng. Tuy nhiên món quà ấy có được phải xuất phát từ bàn tay lao động và tư duy nhạy bén để thay đổi phương thức canh tác. Kết quả cuối cùng hướng đến là tạo ra những sản phẩm lúa gạo sạch, an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.

1
Sử dụng máy cấy trong canh tác lúa tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, huyện Điện Biên.

Ðể nông dân yên tâm tham gia liên kết sản xuất lúa gạo, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, huyện Điện Biên đã đầu tư khoản kinh phí hơn 5,3 tỷ đồng để mua sắm thiết bị máy móc sản xuất gạo, máy cấy lúa và khay làm mạ. Đồng thời tích cực hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa an toàn và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người nông dân, tránh tình trạng bị ép giá vào cuối vụ.

Sản xuất lúa theo hướng nông nghiệp sạch, lúa ít bị sâu bệnh hại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng. Trên thị thường giá mỗi kg gạo sản xuất theo quy trình này cao hơn từ 5 - 7 nghìn đồng so với sản xuất theo phương pháp truyền thống. Như vậy 1 ha lúa sản xuất sạch đạt giá trị gần 80 triệu đồng, sau khi trừ tất cả các khoản chi phí, lãi ròng khoảng gần 50 triệu đồng/ha. Trong khi đó nếu sản xuất theo phương pháp truyền thống, chỉ có thể đạt khoảng 40 triệu đồng/ha.

Để nâng cao chất lượng và giá trị của thương hiệu gạo Điện Biên, công tác quản lý dịch hại tổng hợp IPM trong sản xuất lúa được đặc biệt coi trọng. Quản lý dịch hại dựa trên 4 nguyên tắc chính, đó là sử dụng bộ giống khỏe, thăm đồng thường xuyên, bảo vệ thiên địch và nông dân trở thành chuyên gia.

1
Thu hoạch lúa trên cánh đồng Mường Thanh.

Hiện nay, trung bình mỗi năm tổng diện tích áp dụng IPM tại tỉnh Điện Biên đạt trên 20.000ha trong đó 50% là diện tích sản xuất lúa. Cánh đồng một giống là sự vận dụng sáng tạo của tỉnh Điện Biên vào trong sản xuất. Trên cùng một diện tích sẽ cấy cùng một giống, cùng một thời điểm, cùng một quy trình chăm sóc và quản lý dịch hại. Lợi nhuận trong sản xuất lúa theo quy trình quản lý dịch hại này tăng 12 triệu đồng/ha.

Gạo Điện Biên sản xuất trên cánh đồng Mường Thanh là thương hiệu nổi tiếng. Vị ngọt và sự dẻo thơm của gạo Điện Biên được người tiêu dùng nhiều nơi ưu tiên lựa chọn sử dụng. Hiện nay, tỉnh Điện Biên đã có 4 chuỗi cung ứng sản phẩm gạo an toàn, 10ha lúa đạt tiêu chuẩn VietGap, 4 sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 1 đơn vị được cấp quyền khai thác chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm gạo.

Tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, diện tích sản xuất lúa chất lượng cao sẽ đạt khoảng 8.000ha. Tập trung phát triển lúa hàng hóa chất lượng cao, gắn với phát triển thương hiệu gạo Điện Biên, tỉnh xác định, phải bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất lúa trên cánh đồng Mường Thanh.

Trên cánh đồng Mường Thanh, từ sản xuất lúa theo phương thức canh tác mới, đời sống của người nông dân đã thực sự đổi thay, cuộc sống của họ đã bớt đi phần nào cực khổ và lam lũ, người nông dân có thu nhập ngày càng cao từ cây lúa. Để những hạt ngọc trời sản xuất trên cánh đồng Mường Thanh có thể vươn xa./

 

 

Bùi Quang - Tiến Thế/DIENBIENTV.VN

 

.