Huyện Điện Biên: Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất lúa gạo

Thứ Năm, 30/09/2021, 16:11 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sáng nay 30/9, UBND huyện Điện Biên tổ chức Hội thảo thực trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao, hiệu quả, bền vững. Dự hội thảo có đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh.

1

Thời gian qua, xác định rõ cây lúa là cây trồng chủ lực, có vai trò quyết định trong việc giữ vững an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, huyện Điện Biên đã chú trọng đẩy mạnh áp dụng những tiến bộ kỹ thuật từ khâu chọn giống, đầu tư thâm canh đến phòng, trừ dịch bệnh; việc chuyển đổi phương thức sản xuất lúa từ cấy mạ già sang gieo sạ thẳng bằng tay, nhiều giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, thích hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu được đưa vào thay thế các giống lúa địa phương.

Qua đó, từ một địa phương thiếu lương thực, đến nay đã đảm bảo được an ninh lương thực và xuất bán ra thị trường. Cụ thể, tổng diện tích đất trồng lúa trên địa bàn huyện có gần 7.200 ha, sản lượng bình quân đạt trên 62.000 tấn thóc/năm; bộ giống chủ lực gồm: Bắc thơm số 7, Séng cù, Hana 112 và Nếp 97, 86 với phương thức gieo vãi chiếm trên 93%.

Trên địa bàn huyện hiện có 2 sản phẩm gạo được cấp chỉ dẫn địa lý và có 4 sản phẩm gạo được công nhận OCOP cấp tỉnh, đó là: 3 sản phẩm đạt 3 sao (gạo Tám thơm Thiên Bản của Công ty TNHH thực phẩm Safegreen; gạo Séng cù, Tám Thơm Tâm Sáng của HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên).

1

Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao, hiệu quả, bền vững. Thời gian tới, huyện Điện Biên đã có một số giải pháp, gồm: nhân rộng diện tích ứng dụng hệ thống các quy trình thực hành sản xuất tốt, quy trình canh tác tiên tiến như: quản lý dịch hại tổng hợp, canh tác lúa cải tiến; sử dụng 4 giống lúa chủ lực chất lượng cao gồm: Bắc thơm số 7, Séng cù, Hanna 112 và Nếp 86.

Tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi từ phương thức gieo sạ thẳng sang phương thức cấy bằng máy hoặc bằng tay. Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại các xã vùng lòng chảo, đảm bảo thực hiện đồng bộ các hoạt động theo quy trình 7 khâu liên hoàn: canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ; xây dựng hạ tầng cơ sở vùng chuyên canh sản xuất theo 3 nội dung: dồn điền đổi thửa, kiên cố hóa kênh thủy lợi nội đồng; xây kho bảo quản, chế biến sau thu hoạch.

1

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao kết quả mà huyện Điện Biên đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, gợi mở một số nội dung để góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn huyện như: cần giải quyết khó khăn, vướng mắc cho liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ là doanh nghiệp, HTX thiếu vốn để thực hiện sản xuất, kinh doanh có liên kết; tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp; tiếp tục rà soát, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo Điện Biên phù hợp với tình hình sản xuất hiện nay.

Trước đó, đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số Sở, ban, ngành tỉnh đã đến thăm cánh đồng lớn và cơ sở bảo quản, chế biến lúa gạo của HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên./.

 

 

Thúy Hằng - Bùi Tiến/DIENBIENTV.VN
 

.