Tảo hôn và bất cập chế tài xử phạt

Thứ Tư, 30/08/2023, 11:18 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tảo hôn đã và đang mang lại những hệ lụy nguy hại cho bản thân những người tảo hôn, cho gia đình và cho cả xã hội. Pháp luật đã quy định tảo hôn là hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy định đã rõ, thế nhưng trong thực tiễn vì nhiều lý do ràng buộc mà việc thực thi pháp luật lại không hề dễ dàng. Phóng sự thực hiện tại huyện Điện Biên Biên Đông, địa phương có tỷ lệ tảo hôn cao nhất trong tỉnh.

Trong căn nhà có vẻ khang trang ở bản Xa Vua A, xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông, 2 em Chứ A Hải và Sùng Thị Đớ vẫn đang phải sống phụ thuộc vào trợ cấp của bố mẹ. Học chưa hết bậc THCS, 2 em bỏ học và kết hôn chỉ với lý do đơn giản là để có người đi làm nương cùng. Khi chưa thể lo cho cái ăn, cái mặc hằng ngày thì 2 em đã trở thành những ông bố, bà mẹ tuổi niên thiếu.   

Tảo hôn dù đã là câu chuyện cũ nhưng vẫn không hết sức nóng và mang theo nhiều trăn trở ở vùng cao Điện Biên Đông. Chỉ tính riêng ở Phình Giàng, trong 8 tháng đầu năm, có 58 cặp kết hôn thì tỷ lệ tảo hôn đã chiếm gần 58%. Các giải pháp tuyên truyền vận động trực tiếp đến các đối tượng thanh, thiếu niên đã được triển khai. Pa nô, áp phích cũng được đặt ở những nơi tập trung đông dân cư và dễ quan sát nhưng hiệu quả mang lại không cao.

Tình trạng tảo hôn hiện nay không chỉ tập trung ở đồng bào dân tộc Mông mà ở cả dân tộc khác như: Khơ Mú, Thái. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ tảo hôn toàn huyện Điện Biên Đông chiếm gần 40% các cặp kết hôn.

1
Kết hôn sớm rồi sinh con, đẻ cái khiến cái đói, cái nghèo mãi bó buộc những cặp vợ chồng trẻ con.

Đa số các trường hợp tảo hôn đều không biết kết hôn sớm là vi phạm pháp luật. Họ chỉ nghĩ cứ thích là lấy nhau chứ không quan tâm đến những hệ lụy mà tảo hôn mang lại.  

Điều 58, Nghị định 82/2020 của Chính phủ quy định: Hành vi tảo hôn và tổ chức tảo hôn là vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, với hành vi tảo hôn và tổ chức tảo hôn có thể bị xử phạt hành chính từ 1 đến 3 triệu đồng. Cá nhân tổ chức tảo hôn sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm. Quy định đã rõ, thế nhưng trong thực tiễn vì nhiều lý do ràng buộc mà việc thực thi pháp luật lại không hề dễ dàng…

“Xã cũng mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền vận động. Quy định xử phạt trường hợp tảo hôn cũng có nhưng không thực hiện được nên không có tính chất răn đe. Nếu bố mẹ của không cho các cháu lấy nhau thì các cháu sẽ ăn lá ngón để đe dọa gia đình.” - Ông Cháng Phỏng Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông, cho biết.

Không cho trai gái lấy nhau thì họ rủ nhau ăn lá ngón để tự tử, đó là thực tế đang diễn ra từ nhiều năm nay ở đồng bào dân tộc thiểu số và trở thành rào cản lớn trong việc thực thi pháp luật. Bởi vậy, từ phía các gia đình cũng như chính quyền địa phương cũng không thể ngăn cấm được tình trạng tảo hôn tiếp tục tái diễn. Các trường hợp tảo hôn và tổ chức tảo hôn không bị xử lý nên không mang tính răn đe. Và cứ như vậy, trai gái đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây cứ bỏ học sớm là lấy vợ, lấy chồng sớm rồi sinh con…

 

 

Hoàng Út - Minh Tuấn/DIENBIENTV.VN

 

.