Câu chuyện sinh nhiều con ở vùng cao

Thứ Năm, 16/09/2021, 09:32 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đã từ lâu, câu chuyện sinh nhiều con ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không còn là điều mới mẻ. Đây trở thành một thực tế khó thay đổi, với những quan niệm đã hằn sâu thành nếp của một bộ phận người dân.

Dù mới ngoài 30 tuổi, nhưng anh Sùng A Sang, trú tại bản Huổi Hốc, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé đã có tới 9 đứa con. Nhìn qua, thật khó để nhận biết trong số chúng đâu là anh, chị, đâu là em, vì những đứa trẻ sàn sàn độ tuổi, chỉ cách nhau theo từng năm. “Ở quê sinh được 6 đứa rồi, về đây đẻ thêm 3 đứa, mình thích đông anh em. Vợ cũng thích nên mới đẻ được chứ!” - anh Sang lý giải về sự đông con của mình.

Trường hợp như anh Sang không hiếm ở các địa phương vùng cao. Do tục tảo hôn, chị Hà Thị Thuận lập gia đình từ năm 14 tuổi. 3 đứa trẻ lần lượt ra đời, thế nhưng người mẹ vừa tròn 21 tuổi này vừa sinh thêm cháu nhỏ thứ 4, vì mong muốn phải có con trai nối dõng tông đường.

1
Vì mong muốn có con trai nên dù đã có 3 con nhỏ song chị Hà Thị Thuận vừa mới sinh thêm con thứ 4 ở tuổi 21.

Ở địa phương vùng cao, quan niệm về việc sinh con đẻ cái như anh Sang, chị Thuận không hề ít. Ảnh hưởng từ phong tục tập quán, quan niệm của người dân về việc sinh con để có người giúp đỡ gia đình làm việc, hay sinh con trai để thờ cúng, nối dõi tông đường... khiến cho những đứa trẻ cứ lần lượt ra đời như một lẽ hiển nhiên. Thực tế này khiến cho Điện Biên vẫn đang nằm trong tốp các tỉnh có mức sinh cao trên cả nước với tỷ suất sinh 2,72 con /1 phụ nữ. Không bất ngờ, khi những nơi có tỷ lệ sinh con cao tập trung vào những huyện nghèo, khó khăn, đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong giai đoạn cả nước đang chuyển trọng tâm từ dân số kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, thế nhưng thực tế tỉnh Điện Biên vẫn trong thực trạng tỷ suất sinh còn rất cao. Đông con đang là một tình trạng tồn tại từ chính nếp nghĩ đã hằn sâu của một bộ phận người dân, tỷ lệ nghịch với tình trạng kinh tế - xã hội của nhiều địa phương vùng cao. Đồng thời trở thành một bài toán nan giải khi là lý do gây sức ép lên việc cải thiện đời sống nhân dân và quá trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước./.

 

 

Minh Trang - Ngọc Hải/DIENBIENTV.VN
 

.