Nhộn nhịp không khí mua sắm ngày ông Công, ông Táo

Thứ Năm, 04/02/2021, 10:40 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đã thành thông lệ hàng năm, ngày 23 tháng Chạp âm lịch là ngày người dân chuẩn bị mâm cỗ cúng để tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời  báo cáo tình hình một năm của gia đình với thiên đình. 23 tháng Chạp năm nay rơi vào ngày làm việc trong tuần nên ngay từ sáng sớm, không khí tại các chợ trung tâm trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ đã rất sôi động, nhộn nhịp, người dân tất bật mua sắm để chuẩn bị cho tục cúng ông Công, ông Táo.  

Tại chợ Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ, khung cảnh mua sắm ngày ông Công, ông Táo diễn ra tấp nập. Ngay từ sáng sớm, đã có rất nhiều người tranh thủ đi mua sắm cho mâm cỗ cúng ông Táo của gia đình.

Theo tín ngưỡng dân gian cá chép là phương tiện để đưa ông Táo lên chầu Ngọc Hoàng, do vậy, mặt hàng được quan tâm nhiều nhất là các loại cá chép vàng và cá chép đỏ.

Năm nay, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lượng cá chép nhập từ các tỉnh dưới xuôi lên Điện Biên ít hơn mọi năm, nên giá bán cá chép tại các chợ cũng ở mức cao hơn năm trước, cá nhỏ và trung bình có giá từ 15 - 30 nghìn đồng/3 con, đối với loại cá to có giá từ 60 - 70 nghìn đồng/3 con.

1
Người dân chọn mua cá chép.

Anh Nguyễn Sỹ Quyết, một tiểu thương buôn bán tại chợ Mường Thanh, cho biết: “Năm nay, giá cá chép đắt hơn hẳn so với mọi năm cho nên người dân chủ yếu mua cá loại vừa, cá to bán chậm hơn”.

Bên cạnh cá chép, đồ vàng mã như: Mũ, hài, quần áo, tiền vàng là những thứ không thể thiếu trong lễ cúng tiễn ba vị Táo quân lên chầu trời.

Tuy nhiên, năm nay, nhiều gia đình đã thay đổi nhận thức về việc đốt vàng mã nên đã không mua và đốt nhiều như mọi năm để tránh lãng phí, bảo vệ môi trường. Vì vậy, mỗi gia đình đơn giản chỉ là một bộ mũ, hài, quần áo cho hai Táo ông và một Táo bà.

Ngoài ra, không thể thiếu các đồ cúng khác như xôi, thịt lợn, bánh kẹo và đặc biệt là những bông hoa tươi cũng là lựa chọn của nhiều người dân để bàn thờ hay mâm cúng lễ của gia đình có không khí tết vui tươi, trang trọng.

1
Vàng mã cũng là thứ không thể thiếu trong ngày tiễn các Táo về trời. Song do ý thức được sự lãng phí, ảnh hưởng xấu tới môi trường do đốt vàng mã nên người dân đã tiết giảm trong việc mua sắm mặt hàng này.

Năm nay, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hầu hết người dân khi đi sắm lễ ông Công, ông Táo đều đeo khẩu trang để chủ động phòng dịch. Cùng với đó là mong muốn gia đình, người thân, bạn bè có sức khỏe và tình hình dịch bệnh ổn định để yên tâm vui xuân đón tết. Như mong muốn của chị Hà, một người dân sinh sống trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ: “Năm nay, tôi chỉ mong muốn gia đình có sức khỏe và hết dịch bệnh”.

Theo tín ngưỡng dân gian, cúng ông Công, ông Táo là dịp các gia đình tiễn thần bếp lên chầu trời báo cáo việc bếp núc, làm ăn, cư xử... của gia đình trong năm đó, đồng thời cầu phúc cho gia đình năm mới an khang, thịnh vượng.

Tùy theo từng gia cảnh, mâm cỗ cúng không cần quá cầu kỳ, song phải thể hiện được sự trang trọng, chu đáo và tấm lòng của gia chủ. Đây cũng là dịp để nhắc nhở mỗi thành viên trong gia đình gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống, chăm lo, vun vén cho hạnh phúc gia đình./.

 

 

Thu Nga – Chí Công/DIENBIENTV.VN

 

.