Tinh hoa thổ cẩm người Lào Mường Luân

Thứ Ba, 16/05/2023, 14:56 [GMT+7]

Điện Biên TV - Ngày nay, trong quá trình phát triển và hội nhập của nền kinh tế thị trường, nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở nhiều nơi đang dần mai một. Nhưng ở bản Mường Luân, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, những người phụ nữ dân tộc Lào nơi dây vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm trong mỗi nếp nhà. Nhờ đó mà tinh hoa nghề dệt thổ cẩm Lào vẫn còn được lưu giữ cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Dù đã qua bao nhiêu năm tháng, qua nhiều thế hệ nhưng như tháp cổ Mường Luân vẫn hiên ngang sừng sững, những bộ trang phục truyền thống của dân tộc Lào ở Mường Luân với hoa văn tinh xảo vẫn được duy trì đến ngày hôm nay. Bên tháp cổ Mường Luân, chị em phụ nữ dân tộc Lào trong trang phục rực rỡ sắc màu với điệu múa truyền thống nhịp nhàng luôn làm đắm say bao lòng du khách ghé nơi đây.

Trong hành trình tìm hiểu về sự độc đáo của thổ cẩm dân tộc Lào, chúng tôi đến bản Mường Luân, xã Mường Luân. Đây là nơi sinh sống của phần lớn là các hộ dân tộc Lào. Nơi đây cũng được coi là cội nguồn, là thủ phủ của dân tộc Lào ở Điện Biên. Đáng mừng là trong nhịp sống hiện đại, quán xá mọc lên san sát, nhưng bên hiên nhiều nếp nhà ở bản Mường Luân đều có khung cửi dệt thổ cẩm. Và thật không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ dân tộc Lào ngồi bên khung cửi dệt ra những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Phụ nữ dân tộc Lào từ nhỏ đã học cuộn bông, se sợi, dệt vải. Bởi người Lào lấy nghề dệt làm thước đo đánh giá về người phụ nữ.

Có lẽ bởi những quan niệm như vậy mà nhiều thế hệ phụ nữ dân tộc Lào đều giỏi nghề dệt. Công đoạn của nghề dệt rất cầu kỳ: Từ trồng cây bông, thu hoạch bông đến tách hạt bông, bật bông, vê bông, se sợi, cuộn sợi, lắp cuộn sợi, mắc sợi vào khung cửi để dệt. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi chỉ đề cập đến công đoạn dệt thổ cẩm.

1
Phụ nữ dân tộc Lào từ nhỏ đã học cuộn bông, se sợi, dệt vải. Bởi người Lào lấy nghề dệt làm thước đo đánh giá về người phụ nữ.

Để dệt được thổ cẩm thì cần có khung cửi, con thoi, các sợi chỉ đa dạng sắc màu và quan trọng nhất là một nghệ nhân lành nghề. Quá nửa đời người dệt nên hàng chục tấm thổ cẩm phục vụ cho đời sống, sinh hoạt bà Lò Thị Bua là một trong những người dệt thổ cẩm giỏi nhất trong bản Mường Luân. Ngoài 70 tuổi, mỗi ngày bà vẫn lặng lẽ bên khung cửi vừa dệt nên những tấm thổ cẩm vừa truyền dạy cho lớp trẻ hôm nay.

“Bà tuy cũng già rồi, nhưng vì sao vẫn mỗi ngày cần mẫn dệt. Bởi đây chính là nét văn hóa truyền thống của dân tộc Lào. Mình già rồi mình càng phải làm, càng phải truyền dạy cho lớp trẻ. Có như vậy mới có người tiếp nối văn hóa dân tộc. Dệt nên tấm thổ cẩm quan trọng nhất là để làm váy áo. Người Lào thì phải mặc váy áo người Lào. Đó là bản sắc dân tộc.” – bà Lò Thị Bua, bản Mường Luân, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, chia sẻ.

Theo bà Lò Thị Bua, hoa văn trên thổ cẩm người Lào rất đa dạng. Mỗi loại hoa văn lại gắn với một sự tích khác nhau, có ý nghĩa giáo dục rất cao và thể hiện một phần tín ngưỡng, quan niệm về cuộc sống của họ. “Hoa văn trên thổ cẩm dân tộc Lào có rất nhiều loại, bản thân tôi thường dệt 8 loại. Riêng hoa văn hình con rồng đã có 3 loại rồi. Ngoài ra còn có hoa văn hình chim công, hình con gà, con hươu, con nai và các loại hoa lá. Mình tạo ra các loại hoa văn từ nhiều màu chỉ, kết hợp khéo léo các sắc màu thì mới nổi bật lên hình hoa văn.” – bà Lò Thị Bua, nói.

Cũng theo bà Lò Thị Bua, hoa văn trên thổ cẩm dân tộc Lào không chỉ có 8 loại như bà vừa kể. Mà mỗi một người dệt đều có thể sáng tạo nên hoa văn theo sở thích của cá nhân. Dẫu là hoa văn mang hình dáng gì thì đó chính là sự tỉ mỉ, khéo léo, sáng tạo của người phụ nữ đân tộc Lào.

1
Váy áo của phụ nữ dân tộc Lào được dệt may một cách cầu kỳ, tỉ mỉ và đẹp mắt.

Bởi sự kỳ công và tỉ mỉ cho nên với 10 ngày ngồi dệt thì người ta mới tạo ra được khoảng nửa mét thổ cẩm. Từ những tấm thổ cẩm, người phụ nữ Lào dùng để làm nhiều sản phẩm như vỏ chăn, vỏ gối, khăn, và phổ biến nhất là làm chân váy.

Từ những tấm thổ cẩm được dệt kỳ công, người phụ nữ Lào đã phối thêm những chất liệu, màu sắc khác để tạo nên bộ trang phục truyền thống. Trang phục của người phụ nữ đân tộc Lào bao giờ cũng rất bắt mắt với màu sắc rực rỡ và các hoa văn được dệt tỉ mỉ.

Hiện nay, nhiều người phụ nữ Lào ở Mường Luân còn tạo thêm nhiều sản phẩm từ thổ cẩm để thành hàng hóa. Nhờ đó họ có thêm thu nhập, thêm tình yêu với nghề truyền thống và có thêm cơ hội quảng bá nét văn hóa dân tộc mình.

Dẫu xã hội ngày càng phát triển hiện đại, váy áo hay nhiều đồ dùng gia đình khác đều có thể mua được ở chợ nhưng những người phụ nữ Lào Mường Luân vẫn luôn cần mẫn bên khung cửi, vẫn đều tay đưa những con thoi dệt nên hoa văn độc đáo của dân tộc.

Tuy nhiên để nghề dệt thổ cẩm của người Lào ở Mường Luân nói riêng và cộng đồng dân tộc Lào ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Điện Biên phát triển hơn nữa, đa dạng hóa về sản phẩm hơn, đưa thổ cẩm thành hàng hóa tạo thêm thu nhập cho Nhân dân thì cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, định hướng của các cấp ngành./.

 

 

Hoàng Giang - Huy Long/DIENBIENTV.VN

 

.