Người tâm huyết lưu giữ văn hóa dân tộc Thái
Điện Biên TV - Với lòng đam mê, tâm huyết với văn hóa truyền thống, muốn lưu giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc, quê hương, Nghệ nhân ưu tú Quàng Văn Hom ở bản Nà Ten, xã Hua Thanh, huyện Ðiện Biên là một trong số ít những người dành cả đời gắn bó với cây pí, loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái.
Một đặc điểm rất dễ nhận ra trong ngôi nhà nghệ nhân Quàng Văn Hom là có nhiều những bụi tre, trúc nhỏ ở lối đi và xung quanh nhà. Ðây cũng chính là vật liệu để ông làm nên những cây pí mang âm thanh ngân nga, trầm bổng, réo rắt.
Tính đến nay đã hơn 60 năm, cây pí cùng ông Hom trải qua những vui buồn, thăng trầm của cuộc sống. Ông đi thanh niên xung phong, sau đó làm công nhân, làm thầy dạy học rồi nghỉ hưu, dù đến đâu ông cũng mang theo pí như người bạn tri kỉ. Với tình yêu và đam mê pí ấy, giờ đây ông là một trong số rất ít người trên địa bàn tỉnh am hiểu và thuần thục chế tác, sử dụng các loại pí.
Theo ông Hom, nhạc cụ này của dân tộc Thái có 5 loại khác nhau đó là: pí lao nọi, pí lao luông, pí lăm vằn, pí pặp, pí pếu. 5 loại pí nhưng có đến hàng chục giai điệu với những ý tứ, gửi gắm khác nhau đều được ông Hom lưu giữ. Không chỉ thổi pí hay có tiếng mà nghệ nhân Quàng Văn Hom còn giỏi chế tác loại nhạc cụ này.
Nghệ nhân Quàng Văn Hom tự tay chế tác các loại pí và sử dụng chúng thành thạo. |
Âm thanh của pí phụ thuộc vào vật liệu làm nên nó, bao gồm thân cây trúc nhỏ và những miếng đồng hoặc bạc. Nhìn cây pí rất đơn giản nhưng để hoàn thành được 1 sản phẩm, theo ông Hom phải chọn loại trúc, đồng và chọn mùa, thời gian trong ngày để chế tác một cách cẩn thận, cầu kì. Khí hậu, thời điểm khác nhau sẽ làm cho cây trúc và chất liệu đồng thay đổi khác nhau.
Năm 2018, nghệ nhân Quàng Văn Hom được mời đứng lớp dạy cách thổi và chế tác pí cho 15 người do Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa Thái tổ chức. Năm 2019, ông vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Với nỗ lực duy trì và lưu truyền nét đẹp này cho thế hệ sau, qua nhiều năm, ông Hom đã dạy cho hơn 100 người cách thổi, lấy hơi, luyến láy giai điệu pí. Theo ông Hom, lớp trẻ bây giờ không còn nhiều người biết chế tác và chơi pí hay nữa nên ông luôn trăn trở làm sao để nét văn hóa cổ truyền của dân tộc không bị mai một và đang nỗ lực tìm cách gìn giữ và truyền dạy cho con cháu.
Ở tuổi 77, ông Hom vẫn giữ thói quen thổi pí hàng ngày và chế tác lên những cây pí mang nhiều âm điệu của núi rừng. Những loại nhạc cụ về pí ông tỉ mẩn chế tác ra vừa là để thỏa mãn niềm đam mê, nhưng quan trọng hơn là ông đang nỗ lực tìm cách gìn giữ và truyền dạy cho con cháu, với mong muốn được góp phần lưu giữ nét văn hóa truyền thống vốn có của dân tộc mình./.
Phương Dung - Chí Công