Ý thức chấp hành luật giao thông - Còn đó những câu chuyện buồn

Chủ Nhật, 03/10/2021, 16:23 [GMT+7]

Điện Biên TV - Bất cứ người dân nào khi tham gia giao thông cũng đều không muốn để xảy ra tai nạn, thế nhưng ý thức chấp hành Luật Giao thông thì không phải ai cũng nghiêm túc thực hiện. Từ thực tế này, câu chuyện về việc thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông của lực lượng chức năng vẫn còn nhiều khó khăn, khi ý thức của một bộ phận người dân chưa thật sự chuyển biến.

Tham gia lưu thông trên các tuyến đường của TP. Điện Biên Phủ, không khó để có thể bắt gặp những hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ. Không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng, dừng đỗ xe không đúng nơi quy định... Từ người cao tuổi, cán bộ, công chức cho tới học sinh, sinh viên đều có thể là đối tượng vi phạm các quy định về an toàn giao thông, bởi chính sự chủ quan, thiếu ý thức khi tham gia giao thông.

Anh Trần Cao Khải, một người dân TP. Điện Biên Phủ chia sẻ: “Trong quá trình tham gia giao thông tôi gặp rất nhiều trường hợp các trường hợp đi xe đạp điện, xe biển AA,… không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng, vượt đèn đỏ rất. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho chính người điều khiển phương tiện mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn với những người tham gia giao thông.”

1
Một trường hợp vi phạm Luật GTĐB không chịu hợp tác với lực lượng chức năng.

Sự gia tăng liên tục các phương tiện tham gia giao thông hiện đang gây áp lực không nhỏ lên hạ tầng giao thông tại nhiều nơi. Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã có gần trên 1.100 xe ô tô và trên 16.600 xe máy đăng ký mới. Tổng số phương tiện đang quản lý trên toàn tỉnh trên 330.000 xe máy, gần 13.900 xe ô tô. Trước thực tế đó, ý thức tham gia giao thông của người dân lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Bảo đảm an toàn giao thông là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và của toàn xã hội. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật. Thế nhưng theo Thượng úy Nguyễn Thế Bắc, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự, Công an TP. Điện Biên Phủ, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng chức năng gặp không ít trường hợp khi vi phạm luật, người tham gia giao thông lúc đầu có tư tưởng năn nỉ, xin xỏ, sau đó tìm cách chống đối, bỏ chạy để khỏi bị phạt. Đặc biệt, nhiều vụ việc cố tình chống người thi hành công vụ, nhất là chống cảnh sát giao thông đã xảy ra.

Quy định được đặt ra không chỉ để chấp hành mà còn là những quy chuẩn nhất định để bảo vệ sự an toàn của chính mỗi người dân khi tham gia giao thông. Khi tai nạn giao thông vẫn đang từng ngày, từng giờ để lại những hậu quả đáng buồn thì câu chuyện về ý thức khi tham gia giao thông của một bộ phận không nhỏ người dân vẫn là điều cần bàn tới và nghiêm túc nhìn nhận, để xây dựng nên một hệ thống giao thông an toàn, tạo nền móng cho một xã hội văn minh./.

 

 

Minh Trang - Bùi Tiến/DIENBIENTV.VN
 

.