"Gieo chữ" trên bản Ngải Thầu

Thứ Sáu, 20/11/2020, 09:29 [GMT+7]

Điện Biên TV - “Gieo chữ” ở xã biên giới còn nhiều khó khăn của huyện Nậm Pồ, thế nhưng các thầy giáo cô giáo đang công tác tại xã Nà Bủng vẫn đã và đang khắc phục mọi khó khăn để bám trường, bám lớp dạy chữ cho con em đồng bào các dân tộc nơi đây. Những hy sinh thầm lặng ấy đều vì sự phát triển của giáo dục xã khó, huyện khó và vì tương lai của rất nhiều thế hệ học sinh các dân tộc thân yêu!

“Cô giáo em là siêu nhân!”

Đỉnh Ngải Thầu, xã biên giới Nà Bủng, huyện Nậm Pồ những ngày trung tuần tháng 11, sương hòa trong mây vờn trên những nóc nhà. Những ngôi nhà nhỏ của đồng bào dân tộc Mông tĩnh lặng nằm trong biển mây. Phải nói là nên thơ và trữ tình, cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp này sẽ hoàn mỹ hơn, nếu như đồng bào dân tộc trong bản đều đã “ cơm no áo ấm”.

Thế nhưng không, người dân Ngải Thầu vẫn còn nghèo lắm! Thứ âm thanh trong trẻo vang lên từ lớp ghép 1+ 2: “một cộng một bằng hai, hai cộng một bằng ba, ba cộng một bằng bốn, bốn cộng một bằng năm”. Tiếng cô đọc trước, trò đọc sau,  hòa vào không gian núi rừng. Đó vẫn là những khung cảnh tuyệt vời nhất ở bản vùng cao!

Lớp ghép 1+2 do cô giáo Chu Thị Phượng phụ trách giảng dạy. Lớp 2 có 14 học sinh và lớp 1 chỉ có 4 học sinh. Cô Phượng ăn vận giản dị, khuôn mặt không một chút son phấn, mái tóc buộc vội, cô đi một đôi giày bệt di chuyển nhanh từ nhóm học sinh lớp 1 rồi lại sang lớp 2.

Việc một giáo viên đứng lớp dạy hai trình độ ở lớp ghép đã không còn mới đối với giáo viên cắm bản. Thế nên, cô Phượng như một người mẹ vừa dạy chữ, vừa chăm lo luôn việc ăn và nghỉ trưa cho các em.

Mọi công việc của mỗi ngày vẫn diễn ra đúng như thời gian biểu cá nhân của cô: sáng đi chợ trung tâm xã mua thực phẩm, di chuyển từ trung tâm xã đến lớp; trước giờ lên lớp sơ chế qua thực phẩm, đón học sinh vào lớp, giảng dạy, giờ ra chơi tranh thủ nấu cơm; hết giờ học cho học sinh ăn trưa, nghỉ trưa và vào học ca chiều…

Cô Phượng trong một giờ lên lớp.
Cô Phượng trong một giờ lên lớp.

Giờ ra chơi hôm nay “lạ” hơn hẳn mọi hôm, bởi những lũ trẻ con em dân tộc Mông lần đầu nhìn thấy ống kính máy quay, chúng cứ xúm xít lại bên tôi với ánh mắt tò mò. Đúng như thời gian biểu cá nhân mà cô Phượng chia sẻ, lũ trẻ tự chơi trong lớp, và cô thì xắn tay áo lên, tất tả bật cái bếp ga, xào thịt gà đã chặt và ướp gừng từ sáng. Qua trao đổi, tôi biết, những bữa ăn của các em được quỹ từ thiện “Nuôi em” tài trợ, còn tiền dầu, muối, mì, ga hay bếp ga là của cô giáo trích từ quỹ lương.  Âu cũng là để thuận tiện hơn cho việc nấu nướng, không phải lách cách bếp củi.

Vừa trao đổi với tôi, cô vừa chuẩn bị bữa trưa cho lũ trẻ, cô bỗng ngập ngừng, khó trả lời khi tôi hỏi: “Cô có cảm thấy vất vả không khi vừa dạy lớp ghép, lại phải tự tay nấu nướng cơm trưa cho học sinh?”.  Khi ấy, một cậu học sinh có mái tóc vàng hoe (màu tóc đặc trưng bởi cháy nắng của những đứa trẻ vùng cao) nhanh nhảu nói: “Cô giáo con là siêu nhân đấy cô ạ!”.

Như cậu bé học sinh nói, ngẫm lại, tôi thấy, cô Phượng đúng là siêu nhân! 

“Mùa xuân” ở lại bản vùng cao

Cũng ở bản Ngải Thầu 2, điểm trường mầm non với 2 lớp nhà trẻ và lớp mẫu giáo ghép 3 độ tuổi với tổng số 45 học sinh, nhưng chỉ có 2 cô giáo phụ trách. Trong đó, cô giáo Phạm Thị Tuyến (sinh năm 1985) đã có 9 năm gắn bó với nghề, với xã khó khăn Nà bủng, và đây cũng là 9 năm cô xa gia đình, xa quê nhà Sông Mã, Sơn La. Tuổi thanh xuân của cô Tuyến đã gắn bó với khắp các bản vùng cao, khó khăn nhất của xã biên giới Nà Bủng.  Cô Tuyến nói rằng, tuy chưa lập gia đình của riêng mình, nhưng cô coi các trò nhỏ như con của mình, và nơi công tác chính là nhà.

Cô Lường Thị Chim, Phó hiệu trưởng trường Mầm Non Nà Bủng, chia sẻ: “Cô Tuyến yêu nghề và mến trẻ lắm, mà đặc biệt cô lại xung phong đăng ký đi dạy ở những điểm bản khó khăn, vất vả nhất với lý do là mình còn “son rỗi”. Thế nhưng, Ban giám hiệu Nhà trường cũng đã luân chuyển hàng năm, để có có nhiều điều kiện, nhiều cơ hội hơn cho cô tìm hiểu trong chuyện tình cảm. Hễ cứ ai nhắc khéo cô chuyện lấy chồng, cô cũng chỉ cười và trả lời: “Lấy chồng là để sinh con, nhưng cô có một đàn con rồi!””.

Cô Tuyến coi các trò là con và nơi công tác là nhà.
Cô Tuyến coi các trò là con và nơi công tác là nhà.

Nỗ lực vì sự phát triển của giáo dục xã khó

Nà Bủng là xã biên giới tiếp giáp với nước CHDCND Lào, và cũng là xã khó khăn bậc nhất, nhì của cả huyện Nậm Pồ. Tuy chỉ cách trung tâm huyện lỵ khoảng 30 km, nhưng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ là trở ngại khiến xã cách xa hơn với trung tâm huyện và các xã khác. Đây cũng là xã với gần 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, trong đó có tới 77% các hộ dân thuộc diện hộ nghèo.

Bởi vậy, tập thể sư phạm 3 trường học trên địa bàn xã trong nhiều năm qua đã không ngừng nỗ lực, để phát triển công tác giáo dục ở một xã còn nhiều khó khăn như Nà Bủng.

Thầy Bùi Văn Dịu, Hiệu trưởng trường PTDTBT Tiểu học Nà Bủng cho biết: Đại đa số cán bộ, giáo viên nhà trường đều đến từ các tỉnh: Hòa Bình, Ninh Bình, Cao Bằng, Sơn La,…  Thế nhưng các thầy cô giáo đều yên tâm công tác, bám trường, bám lớp, dành nhiệt huyết cho sự  nghiệp trông người ở xã biên giới Nà Bủng.

Đúng như lời thầy Dịu chia sẻ, tuy sự nghiệp “trồng người” của các thầy cô giáo vùng cao luôn có nhiều gian nan và vất vả. Nhưng, dù có vất vả, gian nan đến mấy thì tất cả các thầy cô đều có một điểm chung duy nhất - đó là lòng yêu nghề, yêu trẻ.

Những ánh mắt ngây thơ của những đứa trẻ nơi non cao, những tình cảm chân thành, giản dị của phụ huynh học sinh đã tiếp thêm động lực để ngày ngày các thầy giáo cô giáo lại tiếp tục gieo chữ với hy vọng được góp sức mình vào sự phát triển chung của dải đất biên cương của Tổ quốc.

Chưa đi chưa biết Ngải Thầu/ Đi rồi mới biết đầu rạp xuống chân” - đó vốn là những câu nói của cán bộ, giáo viên ở xã biên giới Nà Bủng thường dùng để “cảnh báo” những vị khách ngoài địa bàn khi vào công tác tại bản Ngải Thầu.

Trước khi được đầu tư đường cứng hóa, điện lưới quốc gia quả thực Ngải Thầu là một trong những bản khó khăn, nhất là về giao thông, chỉ cần trời đổ cơn mưa, là con đường đất chảy bùn nhão, cộng với đường dốc cao thì chỉ có thể đi bộ đến độ “đầu rạp xuống chân”.

Nhưng Ngải Thầu hôm nay đã khổi khác, có điện, có đường, có những điểm trường khang trang, sạch đẹp. Bởi vậy, sự nghiệp “trồng người” của các thầy cô giáo nơi đây cũng bớt đi bội phần gian nan. Dẫu vậy vẫn không thể so sánh được ở bất cứ nơi đâu, bởi bản Ngải Thầu, hay cả xã Nà Bủng, vẫn là địa bàn khó khăn!

Tuy mỗi năm luân chuyển một điểm bản khác nhau, nhưng dù là cô Phượng, cô Tuyến hay thầy cô giáo nào thì họ vẫn luôn yêu thương học sinh, nhiệt huyết với nghề, gắn bó với bản, với đồng bào các dân tộc như mây và núi trên đỉnh núi Ngải Thầu./.

 

CTV Hoàng Giang/DIENBIENTV.VN
 

.