Điện Biên

Nhìn lại chặng đường 60 năm mang cái chữ về cho đồng bào vùng cao

Thứ Hai, 18/11/2019, 14:12 [GMT+7]
Điện Biên TV - Năm 1959, với chủ trương lên xây dựng vùng kinh tế mới còn nhiều khó khăn, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, 860 giáo viên đã tình nguyện lên phục vụ giáo dục miền núi, trong đó, tỉnh Lai Châu cũ (nay là tỉnh Lai Châu và Điện Biên) được đón hơn 500 giáo viên.
 
Sau Cách mạng tháng 8/1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, phong trào “Bình dân học vụ” tại địa phương được triển khai rầm rộ trong đại phong trào diệt giặc đốt, giặc đói, giặc ngoại xâm. Tỉnh Lai Châu (cũ) được giải phóng năm 1954, cùng với công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền nam thống nhất nước nhà.
 
Ngành Giáo dục Điện Biên (trước đây là Lai Châu) hình thành xây dựng và trưởng thành trong muôn vàn khó khăn thiếu thốn, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; người dân chưa nhận thức được nhu cầu học tập của bản thân và của con em mình. Ngày đó, 99% đồng bào các dân tộc Tây Bắc còn mù chữ, các hủ tục lạc hậu, tệ nạn tàn dư xã hội do chế độ cũ để lại rất nặng nề ảnh hưởng trực tiếp trước mắt và lâu dài trong công cuộc tái thiết và kiến tạo mới nền giáo dục của chế độ mới.
Các thầy cô đã truyền lửa cho các thế hệ học trò phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện và trưởng thành; nhiều học trò đã tiếp nối sự nghiệp giáo dục của thầy cô trở thành những nhà giáo.
Các thầy cô đã truyền lửa cho các thế hệ học trò phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện và trưởng thành; nhiều học trò đã tiếp nối sự nghiệp giáo dục của thầy cô trở thành những nhà giáo.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ kính yêu. Công cuộc xây dựng quê hương mới được triển khai toàn diện trong đó có ngành giáo dục từng bước được quan tâm tới đồng bào các dân tộc. Năm 1959, với chủ trương lên xây dựng vùng kinh tế mới còn nhiều khó khăn, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, 860 giáo viên đã tình nguyện lên phục vụ giáo dục miền núi, trong đó, tỉnh Lai Châu cũ (nay là tỉnh Lai Châu và Điện Biên) được đón hơn 500 giáo viên. 

Trước khi về các vùng miền núi khó khăn, các thầy cô giáo tình nguyện đã vinh dự được Bác Hồ đến thăm, nói chuyện tại lớp bồi dưỡng chính trị ngày 22/9/1959. Thực hiện lời dạy của Bác, bước qua nỗi ám ảnh về một vùng “ma thiêng, nước độc”, cùng khí thế hừng hực của tuổi trẻ, đoàn giáo viên năm 1959 đã hành quân lên Tây Bắc xa xôi; đầy khó khăn gian khổ, nay là các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, đem theo cái chữ vượt dốc, băng đèo, đem ánh sáng văn hóa thắp sáng bản mường, mở ra một trang sử mới trong sự nghiệp giáo dục Tây Bắc.

Những ngày đầu, các thầy cô tự tay dựng trường; thầy trò vừa học, vừa lao động để xây dựng lớp học, nơi ở. Các thầy cô lặn lội đến từng bản, có khi đi bộ cả mấy ngày trời, đối mặt với bao khó khăn mưa rừng, nước lũ; muỗi, vắt, thú dữ rình rập; dân cư thưa thớt, đời sống tự cấp, tự túc; bất đồng ngôn ngữ, chưa quen với phong tục tập quán của người dân… Khó khăn là thế song các thầy cô luôn tìm cách khắc phục, coi miền núi là quê hương thứ hai, coi đồng bào các dân tộc thiểu số như người thân ruột thịt, thực hiện “3 cùng” với nhân dân, sáng lên lớp, lúc rảnh rỗi cùng bà con lên nương, lên rẫy trồng khoai, sắn; vận động nhân dân diệt giặc dốt, xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới, tạo nên khí thế giáo dục vô cùng sôi động.

Sau một thời gian ngắn, nơi các thầy cô đến phong trào giáo dục đã bắt đầu có kết quả và ngày càng tốt hơn. Thầy dạy trò chữ quốc ngữ, trò dạy lại thầy tiếng của dân tộc mình. Chỉ qua một mùa nương, các lớp học đã dần hình thành, tiếng mõ ngày ngày lại vang lên báo giờ lên lớp. 

Thầy Lê Thúc Kỷ - Nguyên Trường phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên chia sẻ với phóng viên chặng đường
Thầy Lê Thúc Kỷ - Nguyên Trường phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên một trong những giáo viên tham gia đoàn giáo viên các tỉnh miền xuôi lên công tác tại vùng cao Lai Châu (cũ)

Rất nhiều tấm gương của các thầy cô giáo trong Đoàn giáo viên năm 1959 đã cống hiến sức trẻ, tuổi thanh xuân của mình trên vùng cao Tây Bắc như các thầy Nguyễn Văn Bôn - Anh hùng lao động, người đã đặt nền móng cho giáo dục Mường Tè - Lai Châu; thầy Lê Thúc Kỷ,  thầy Vũ Kim Thuần có nhiều đóng góp xây dựng phong trào giáo dục tại huyện Điện Biên; thầy Lô Kam Y Hiệp - người có công xây dựng trường sư phạm cấp I đầu tiên của tỉnh, đào tạo nhiều thế hệ giáo viên cho ngành; thầy Đoàn Tuấn Thanh tích cực tự học, tự nghiên cứu để giảng dạy bộ môn Tâm lý học trong trường Sư phạm tỉnh; thầy Lê Văn Nguyên luôn quan tâm động viên các em học sinh trong Ký túc xá trường Thiếu niên dân tộc - tiền thân của trường DTNT tỉnh ngày nay; thầy Phan Vũ Lân hết lòng vì sự nghiệp giáo dục vùng cao Sìn Hồ; thầy Mai Đình Phong gắn bó với giáo dục Tuần Giáo, thầy Nguyễn Minh Tranh có nhiều đóng góp cho giáo dục Mường Tè… và còn rất nhiều thầy cô luôn tận tụy hết lòng vì học sinh thân yêu.

Thầy Lê Thúc Kỷ - Nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên xúc động chia sẻ: "Cách đây 60 năm với lòng hăng say, nhiệt tình của tuổi trẻ đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần, theo lời gọi của Đảng, của Bác Hồ tôi đã lên đường làm nhiệm vụ phát triển văn hóa miền núi.

Thời điểm bấy giờ đường về xã, về bản rất khó khăn, từ thị trấn về xã, bản phải đi bộ 3 - 5 ngày đường. Ban đầu mỗi xã cắm một giáo viên, hầu hết các giáo viên ăn, ở tại nhà dân, rồi vận động nhân dân dựng lớp, vận động các em đi học. Nói là lớp nhưng chỉ là gian nhà tạm gianh, tre nứa, bàn ghế của giáo viên, học sinh là tấm nứa mỗi lớp chỉ có từ 10, 15 em các em đều khong có sách vở đi học  thầy cô giáo phải dùng lương của mình để mua vở, giấy bút cho học sinh.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn các thầy cô đã truyền lửa cho các thế hệ học trò phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện và trưởng thành; nhiều học trò đã tiếp nối sự nghiệp giáo dục của thầy cô trở thành những nhà giáo, cán bộ lãnh đạo chủ chốt của địa phương, của tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển giáo dục tỉnh nhà như đồng chí Quàng Văn Binh, Lỳ Khai Phà, Hà Quý Minh, Lê Văn Quý…

Với những cố gắng và nỗ lực vượt bậc, 60 năm qua các thế hệ thầy cô giáo tỉnh Điện Biên đã mang cái chữ của Đảng, Bác Hồ đến với người dân vùng cao Tây Bắc. Cái chữ đã giúp bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, định canh định cư, ổn định sản xuất, xây dựng bản làng văn hóa, phát triển du lịch, trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn,… mang lại đời sống ấm no./.
 
 
 
 
Tử Long/DIENBIENTV.VN
.