Y tế thôn bản - Cần thêm những chế độ hỗ trợ

Thứ Ba, 11/04/2023, 14:50 [GMT+7]

Điện Biên TV - Được xem là “cánh tay nối dài” của ngành Y tế, là nhân tố then chốt trong việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, giúp người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số được chăm sóc sức khỏe, nhưng chế độ đối với đội ngũ cô đỡ thôn bản và y tế thôn bản trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện vẫn chỉ mang tính động viên, khuyến khích. Thậm chí, có không ít cô đỡ thôn bản và y tế bản được ví như “người vác tù và hàng tổng”.

Sau khi tốt nghiệp khoá đào tạo của Sở Y tế tỉnh Điện Biên, đến nay đã gần 5 năm chị Sùng Thị Nga, bản Ham Xoong, xã Vàng Đán, huyện biên giới Nậm Pồ gắn bó với công việc cô đỡ ở thôn bản. Ngoài công việc đỡ đẻ cho các sản phụ, chị Nga còn làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ khi mang thai, tuyên truyền, hướng dẫn áp dụng các biện pháp tránh thai, cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su, viên thuốc uống tránh thai theo quy định của Bộ Y tế.

1
Chị Sùng Thị Nga, bản Ham Xoong, xã Vàng Đán thăm khám sức khỏe cho phụ nữ mang thai trên địa bàn.

Khi sản phụ gặp các biến chứng nguy hiểm như: Tiền sản giật, băng huyết, ngôi ngang,… chị Nga cũng như nhiều cô đỡ thôn bản khác thường phải gác lại công việc nương rẫy của gia đình để hỗ trợ sản phụ chuyển tuyến. Công việc vất vả, địa bàn rộng, đường xá đi lại còn nhiều khó khăn; tuy nhiên, mức trợ cấp hằng tháng hiện chỉ khoảng gần 500 nghìn đồng/tháng.

“Khi mình đi đỡ đẻ có rất nhiều khó khăn. Buổi tối đi thì có con nhỏ, mình phải địu cả con đi theo. Trời nắng thì không sao, trời mưa thì rất vất vả. Nhiều khi đi nhiều quá chồng cũng giận, cũng mắng và bảo mình không làm nữa.” - chị Nga, tâm sự.

Với mức hỗ trợ mới là 0,5 mức lương cơ sở, tức là khoảng trên 700 nghìn đồng một tháng. Dù ít ỏi, nhưng gần 80 y tế thôn bản trên địa bàn huyện Nậm Pồ vẫn đang từng ngày nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, công việc được giao.

1
Dù phụ cấp ít ỏi song ông Tráng A Chu, bản Ham Xoong, xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ vẫn tận tụy thăm khám sức khỏe cho nhân dân trong bản khi họ cần.

Bác sĩ Lê Quang Điện, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ, cho biết: Trên địa bàn huyện Nậm Pồ hiện có 79 y tế thôn bản, 20 cô đỡ thôn bản. Đây là cánh tay nối dài của ngành Y tế, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

“Tuy nhiên, Nậm Pồ là huyện biên giới, dân cư sống không tập trung, đường xá đi lại khó khăn. Để vận động được người làm cô đỡ thôn bản, y tế thôn bản không hề dễ dàng, bởi đòi hỏi người làm công việc này phải có trình độ học vấn từ cấp 3 trở lên, phải biết tiếng phổ thông và tiếng dân tộc trên địa bàn. Trong khi địa bàn rộng, xa đi lại khó khăn nhưng chế độ trợ cấp thấp khiến nhiều người không mặn mà bỏ công sức, việc gia đình để đảm đương.” - bác sĩ Lê Quang Điện, nói.

Hiện nay, Điện Biên có gần 750 nhân viên y tế thôn bản và trên 130 cô đỡ thôn bản. Để đội ngũ y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, ngoài việc tiếp tục thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Điện Biên cần huy động nguồn vốn xã hội hóa để nâng cao chế độ đãi ngộ và tăng cường các hoạt động biểu dương, khen thưởng nhằm kịp thời động viên, khích lệ để đội ngũ y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản tiếp tục phát huy năng lực, nhiệt huyết trong hoạt động chăm sóc sức khỏe Nhân dân./.

 

 

Nhật Oanh - Tiến Thành/DIENBIENTV.VN

 

.