Nam sinh lớp 10 nói gì khi "bắt" bé gái người Mông đang đi chơi Tết về làm vợ?

Thứ Năm, 10/02/2022, 07:04 [GMT+7]

Liên quan đến vụ bé gái người Mông đang đi chơi Tết bị nam sinh lớp 10 “bắt” về làm vợ, lực lượng chức năng huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã vào cuộc, làm rõ.

Mời phụ huynh và nam sinh lên làm việc

Thông tin đến phóng viên chiều 9/2, ông Nông Văn Ngay - Chủ tịch UBND xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh từ truyền thông, báo chí, chính quyền địa phương đã mời bố mẹ của Giàng Mí C. (16 tuổi, người bắt vợ trong clip lan truyền trên mạng xã hội) và cả C. lên trụ sở để làm việc.

"Tại trụ sở UBND xã cháu C. trình bày, trong lúc đi chơi xuân, do nhìn bé gái thấy thích nên đã lao vào lôi, kéo bé gái. Tại địa phương, C. năm nay mới học lớp 10 tại một trường nghề ở tỉnh Thái Nguyên. Hiện chúng tôi đã giáo dục và tuyên truyền cho C. cùng gia đình cần bỏ ngay những hành vi trên, đặc biệt là hủ tục bắt vợ như vậy", ông Ngay nói.

Theo vị lãnh đạo xã Giàng Chu Phìn, tại xã có khoảng 95% cư dân là người Mông, ở xã vẫn còn lác đác vài trường hợp duy trì tục lệ "bắt vợ", đặc biệt là thanh niên nam nữ đi chơi hội xuân. Lường trước được tình hình nên xã cắt cử công an viên, dân quân thôn bản tăng tuần tra trên địa bàn, kịp ngăn chặn hủ tục. Ngoài ra, hàng năm chính quyền cũng tiến hành tuyên truyền, vận động bà con bỏ những hủ tục xấu trên địa bàn.

1
Cô gái bị nam sinh kéo đi theo tục "bắt vợ" của người Mông tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang) được công an kịp thời giải cứu. Ảnh cắt từ clip.

Thượng tá Cao Văn Toản, Trưởng Công an huyện Mèo Vạc cũng cho biết, sự việc trên xảy ra vào ngày 7/2, tại xã Pả Vi. Điều đáng nói, dù xảy ra tại nơi đông người, bé gái phản kháng nhưng những người xung quanh lại không can ngăn. Sự việc chỉ dừng lại khi một cán bộ Công an xã Pả Vi trên đường tuần tra đã phát hiện và can thiệp.

Sau khi được công an giúp đỡ, bé gái người H'Mong nức nở kể: "Em xuống đây chơi Tết thì bị nó kéo về…".

Một bộ phận giới trẻ người Mông chưa có sự hiểu biết đầy đủ về phong tục "bắt vợ"

Bà Triệu Thị Tình - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin vụ việc lan truyền trên mạng xã hội mấy ngày qua. Tuy nhiên, qua xác minh tìm hiểu thì đây chỉ là một hành động tự phát của một thiếu niên mới lớn, chưa hiểu hết về phong tục tập quán của dân tộc mình.

Theo bà Tình, "bắt vợ" vốn là một phong tục xa xưa và độc đáo của người Mông nhưng đã bị biến tấu đi nhiều theo thời gian. Bên cạnh đó, bản thân giới trẻ người Mông còn chưa có sự hiểu biết đầy đủ về phong tục này nên có những hành động không đúng mực, bột phát.

"Bắt vợ hay kéo vợ là một tục đẹp từ xa xưa của đồng bào dân tộc Mông, thể hiện tình yêu đôi lứa mãnh liệt của những chàng trai cô gái người Mông để đến với nhau. Việc kéo hay bắt chỉ được diễn ra khi có sự thỏa thuận và đồng ý của 2 người từ trước đó.

Sau khi chàng trai đã kéo được cô gái về nhà thì sau một vài ngày, người nhà chàng trai sẽ có lời và mang lễ sang nhà cô gái để xin cưới", bà Tình nói.

1
Tục bắt vợ của người Mông tại Hà Giang không còn phổ biến, một số nơi có tính trạng biến tướng. Ảnh: T.L

Phó Giám đốc Sở VHTTDL cũng khẳng định, tục bắt vợ hiện đã không còn phổ biến tại Hà Giang. Tại một số nơi, một số thời điểm vẫn còn diễn ra nhưng chỉ mang tính chất tự phát do chưa có sự hiểu biết đầy đủ hoặc chưa được giáo dục, truyền dạy.

Vị này thông tin thêm, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang đang làm rất tốt việc bài trừ các hủ tục lạc hậu, thực hiện việc cưới, việc tang và luật hôn nhân gia đình theo chỉ đạo của Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, không phải một chốc một lát mà bỏ ngay được bởi đặc thù địa bàn chủ yếu là dân tộc thiểu số.

Trong khi đó, bày tỏ quan điểm về những trường hợp "bắt" các cô gái trẻ giữa ban ngày, trong đó có cả các bé gái 15-16 tuổi về làm vợ theo phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số, GS, TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển cho rằng, bản chất của phong tục "bắt vợ" hiện nay không mang tính tích cực khi mà luật pháp của Việt Nam đã quy định rất rõ ràng về quyền con người cũng như quyền hôn nhân của công dân Việt Nam.

"Nhiều nam giới đã lợi dụng hủ tục này để bắt cóc những người phụ nữ không yêu họ, đem về cưỡng bức và hành hạ họ suốt đời trong gia đình, tiêu diệt cả cuộc sống thanh xuân, các mơ ước và cơ hội phát triển của người phụ nữ. Bên cạnh việc tăng cường truyền thông, chính quyền, các đoàn thể, cộng đồng cần phải có hành động ngăn chặn quyết liệt", GS, TS Lê Thị Quý chia sẻ.

Nhiều chuyên gia pháp lý cũng chỉ rõ, theo quy định pháp luật, người nào có hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn, tùy theo mức độ vi phạm đối với từng trường hợp cụ thể có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Link: https://vtv.vn/xa-hoi/nam-sinh-lop-10-noi-gi-khi-bat-be-gai-nguoi-mong-dang-di-choi-tet-ve-lam-vo-20220209235019801.htm

 

 

Theo VTV

 

.