Rực rỡ đám cưới truyền thống bản Lào
Điện Biên TV - Cưới hỏi, lập gia đình là việc quan trọng đối với mỗi người. Mỗi vùng miền, mỗi dân tộc lại có tục lệ cưới riêng. Phong tục cưới hỏi, các nghi thức tín ngưỡng được thực hành trong đám cưới và cả cách ăn mặc trong lễ cưới, phản ánh sinh động đời sống tinh thần của mỗi dân tộc. Người dân tộc Lào ở Điện Biên có nền văn hóa tinh thần phong phú. Lễ cưới của người dân tộc Lào ngày nay, dù có học tập một số nét mới, nhưng vẫn giữ được các nghi thức và màu sắc truyền thống đặc trưng.
Bản Na Sang II là một trong hai bản người dân tộc Lào sinh sống tập trung ở xã Núa Ngam, huyện Điện Biên. Sinh sống quần cư thành nhóm bản riêng biệt, người dân tộc Lào ở bản Na Sang II sinh sống trong không gian văn hóa rất đặc trưng. Họ luôn chú trọng gìn giữ những nét truyền thống của cộng đồng như: Nhà ở truyền thống, nghề thủ công, trang phục truyền thống và cả những nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của dân tộc được truyền lại từ rất lâu đời.
Mùa xuân là mùa cưới hỏi của các đôi trai gái bản Lào. Mỗi mùa xuân tới các bà, các mẹ người dân tộc Lào bản Na Sang II lại bận rộn bên những khung cửi. Họ dành rất nhiều thời gian để dệt vải may đồ và làm quà cưới cho con. Theo phong tục của người dân tộc Lào, gia đình nào có con gái gả chồng, phải chuẩn bị nhiều chăn, đệm, vải vóc làm của hồi môn cho con. Các gia đình có con trai lấy vợ cũng phải có trang phục truyền thống mặc trong lễ cưới, như vậy đám cưới mới trang trọng. Cô, dì, chú, bác đôi bên, ai được mời đến dự lễ cưới đều phải có quà mừng là thổ cẩm, tơ sợi. Bởi vậy mùa cưới cũng là mùa chị em phụ nữ bản Lào chăm tay se tơ, dệt vải.
Sau khi tìm hiểu, yêu thương, được đôi bên gia đình đồng ý và trải qua các thủ tục ban đầu, lễ cưới chính thức của chú rể Lò Phòng và cô dâu Lường Hoa, bản Na Sang II, xã Núa Ngam được tổ chức theo phong tục truyền thống dân tộc Lào. Ngày thứ nhất, lễ cưới được tổ chức tại nhà gái. Gia đình chú rể mang lễ gồm lợn, gà sang nhà cô dâu để dâng cúng tổ tiên. Nhà gái cũng mời anh em, họ hàng thân thích đến dự lễ cưới chúc mừng cho đôi trẻ. Mâm cúng tổ tiên trong lễ chính gồm: Gà, rượu, xôi, gạo, tiền, thổ cẩm màu trắng, màu đỏ.
Lễ buộc chỉ cổ tay trong đám cưới của người Lào. |
Lễ cưới không thể thiếu chỉ vàng buộc cổ tay. Mâm lễ được đặt tại gian giữa ngôi nhà. Thầy cúng khấn mời tổ tiên về nhận lễ và phù hộ cho đôi trẻ. Họ hàng thân thích được mời đến dự lễ cưới sẽ ngồi xung quanh, đại diện mỗi gia đình đều có quà mừng cô dâu, chú rể. Ngoài phong bì tặng, quà mừng của những người đến dự lễ cưới bắt buộc phải có vải thổ cẩm màu trắng, màu đỏ và các cuộn tơ tằm hoặc sợi bông được se, cuộn và nhuộm màu rực rỡ. Sau khi thầy cúng cầu khấn tổ tiên về chứng kiến, họ hàng đến mừng tân hôn sẽ lấy một chút thịt, một chút xôi để cô dâu, chú rể ăn lấy may. Mọi người cũng buộc chỉ vàng, chỉ đỏ vào cổ tay cô dâu, chú rể và chúc những lời chúc tốt đẹp nhất.
Để đưa cô dâu về nhà chồng, gia đình nhờ thầy cúng xem giờ tốt. Tại lễ cưới này, chú rể Lò Phòng được rước cô dâu Lường Hoa về nhà vào trước 18 giờ, khi mặt trời chưa lặn. Nhà trai đến xin rước dâu, nhà gái cũng cho người đưa chăn, đệm cùng cô dâu về nhà chồng. Đoàn đón, rước dâu phải là những người có vợ, có chồng chung sống với nhau hạnh phúc.
Khi sang tới nhà trai, trước khi cô dâu bước vào nhà, đoàn rước phải đứng dưới chân cầu thang để đại diện hai bên gia đình trao gửi con cháu cho nhau. Khi thủ tục thưa gửi xong xuôi, chú rể mới đưa cô dâu cùng đoàn rước dâu bước lên cầu thang vào trong nhà. Vào nhà, đoàn rước dâu đôi bên gia đình tiếp tục trò chuyện, mời rượu mừng cô dâu, chú rể và chúc rượu cho nhau.
Mỗi người đến đón, rước dâu đều được mời uống hai chén rượu và nói những lời chúc tốt đẹp dành cho đôi trẻ. Hai bên gia đình chọn hai người một nam, một nữ, có gia đình hạnh phúc, con cái trai gái đủ đầy đem chăn, đệm trải giường cho cô dâu, chú rể. Thủ tục ngày thứ nhất hoàn tất tốt đẹp, ngày hôm sau nhà trai mới tổ chức lễ cưới và tiệc mừng.
Cô dâu, chú rể và họ hàng thân thích ngồi quanh mâm lễ được đặt ở gian giữa ngôi nhà và tiến hành các thủ tục cưới hỏi theo phong tục truyền thống của người Lào. |
Tiệc mừng đám cưới, thường được các gia đình người dân tộc Lào tổ chức rất trang trọng, linh đình. Thực phẩm dùng cho tiệc mời họ hàng, anh em, bạn bè hai bên trong hai ngày đều do nhà trai đảm nhận. Để làm được cả trăm mâm tiệc cưới, gia đình nhà trai thường mổ trâu, bò, lợn. Các món ăn trong tiệc mừng đám cưới của hai họ phần lớn đều làm từ thịt trâu, thịt bò. Cô, dì, chú, bác, anh em họ hàng, được gia chủ mời đến làm giúp từ sáng sớm, không khí tất bật và vui vẻ.
Trong khi hàng chục người tất bật chuẩn bị cho tiệc cưới buổi trưa, thì nghi lễ mừng đám cưới tại nhà trai cũng được tiến hành. Các nghi thức cầu may cho đôi trai gái được tổ chức giống như lễ tại nhà gái hôm trước. Họ hàng bên nhà trai được mời đến dự lễ và trao quà, chúc mừng cho cô dâu, chú rể.
Trong lễ cưới của người dân tộc Lào, từ cô dâu, chú rể, bố mẹ đôi bên tới người dự lễ cưới, thường mặc những bộ trang phục truyền thống và trang phục truyền thống cách tân rất đặc trưng của dân tộc. Ngày nay trang phục nam truyền thống người dân tộc Lào ít được sử dụng, nhưng bộ trang phục nữ rực rỡ sắc màu vẫn được mặc hằng ngày. Trong lễ cưới trang trọng, người nam có thể mặc comple thay quần áo truyền thống, còn người nữ lại chọn cho mình những bộ trang phục cổ truyền màu sắc tươi sáng, rực rỡ.
Quà mừng cưới cho cô dâu, chú rể không thể thiếu vải thổ cẩm màu trắng, màu đỏ và các cuộn tơ tằm hoặc sợi bông được se, cuộn và nhuộm màu rực rỡ. |
Phụ nữ người dân tộc Lào rất tự hào về bộ trang phục đẹp do chính tay họ dệt, may. Họ đặc biệt yêu thích những bộ váy áo, khăn đội đầu dệt bằng sợi bông và sợi tơ tằm tự nhiên, được truyền lại từ nhiều thế hệ. Bộ trang phục mà chú rể Lò Phòng và cô dâu Lường Hoa đang mặc trong lễ cưới của họ, là bộ trang phục được chính tay người mẹ dệt may, thiết kế.
Những chiếc khăn đội đầu và khăn họ mang trên người là những chiếc khăn cổ được gia đình gìn giữ, lưu truyền qua mấy thế hệ. Mỗi gia đình người dân tộc Lào thường lưu giữ những chiếc khăn, váy áo thổ cẩm có hoa văn dệt cầu kì, tinh xảo như những vật gia bảo. Những vật gia bảo ấy được truyền lại cho con cháu đời sau với ý nghĩa nhắc nhở những người trẻ gìn giữ các giá trị truyền thống của gia đình và cộng đồng.
Lễ cưới của các đôi trai gái người dân tộc Lào ngày nay được tổ chức rất sôi nổi. Bản Lào cũng đã có những người chuyên tổ chức sự kiện cưới hỏi riêng. Để cho đám cưới vui vẻ, trang trọng hơn, đội múa của bản cũng thường đến biểu diễn những điệu múa truyền thống vui tươi. Với những nghi thức truyền thống không thể thiếu và cách tổ chức mới trong ngày cưới, đám cưới của các đôi trai gái người dân tộc Lào ngày nay trở thành sự kiện vui của toàn thể bà con dân bản.
Đến với đám cưới ở bản Lào Na Sang II, chúng ta được thấy những truyền thống tốt đẹp các gia đình người dân tộc Lào gìn giữ qua nhiều thế hệ. Qua đám cưới vui như ngày hội bản, chúng ta còn được thấy những sắc màu văn hóa đặc trưng nơi bản nhỏ này./.
Minh Giang - Dương Hải/DIENBIENTV.VN