Giữ nghề rèn truyền thống của người Mông

Thứ Tư, 22/03/2023, 12:26 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong đời sống của đồng bào người Mông có nhiều nghề thủ công mang đậm nét văn hóa dân tộc. Trong đó nghề rèn là một trong những nghề truyền thống lâu đời gắn liền với hoạt động sản xuất của bà con người Mông. Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, vẫn còn những thợ rèn âm thầm giữ nghề trong các bản làng người Mông ở huyện vùng cao Tủa Chùa.

Dân tộc Mông chiếm 1/3 dân số tỉnh Điện Biên. Họ sinh sống ở hầu khắp các huyện, thị, thành phố, song nhiều nhất vẫn là ở các huyện vùng cao Tủa Chùa, Tuần Giáo, Nậm Pồ, Mường Chà, Mường Nhé, Điện Biên Đông.

Từ xa xưa, họ luôn chọn địa hình vùng cao của miền núi để sinh sống. Cũng bởi sinh sống ở vùng núi cao, cách xa trung tâm xã, huyện mà đời sống của họ theo hướng tự cung tự cấp từ nhiều đời. Có lẽ cũng bởi vậy mà người Mông cái gì cũng biết, việc gì cũng giỏi. Từ rèn dao, rèn cuốc, xẻng, làm giấy, làm hương đến tự làm trang phục để mặc.

Ngày xưa là vậy. Còn trong nhịp sống hiện đại ngày nay, cuộc sống của đồng bào Mông cũng đã có nhiều đổi thay. Nhiều vật dụng trong nhà cũng dễ dàng mua được ở chợ xã, chợ huyện. Song nhiều người Mông vẫn giữ lấy nghề rèn truyền thống.

Ở bản Dê Dàng, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa, bên con suối Tà Là Cáo vẫn róc rách đêm ngày, lò rèn của ông Cứ A Khua vẫn đỏ lửa. Ở tuổi ngoài 60, công việc mỗi ngày của ông Khua thường bắt đầu từ việc nhóm than đốt lò. Và mỗi ngày của ông Khua trôi đi và cho ra những con dao sắc bền.

Từ tuổi thiếu niên, ông Cứ A Khua đã cùng bố rèn đủ các loại vật dụng từ cuốc, xẻng, lưỡi cày, thuổng đến dao phát nương, dao gặt lúa, dao chặt, dao thái. Việc ông Khua vẫn mỗi ngày giữ nghề rèn đều có nguyên do cả. Không chỉ giữ lấy nghề truyền thống mà còn là để người Mông có công cụ lao động sản xuất tốt nhất. “Giữ nghề rèn để giữ bản sắc của người Mông, làm để cho con cháu mình.” - ông Khua nói.

1
Nghề rèn được người Mông lưu giữ và trao truyền từ đời này sang đời khác, cốt là để giữ bản sắc của dân tộc mình.

Để làm ra một sản phẩm, người thợ rèn phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ cắt sắt tạo hình, nung, đập, nhúng nước, rồi lại nung, đập cho tới khi định hình được sản phẩm thì mài cho sắc, làm tay cầm. Và dường như những công đoạn ấy đều cần phải tỉ mỉ.

Để rèn được một con dao nhanh và đẹp từ hình dáng cũng như sử dụng tốt, thông thường có hai cách rèn chính. Có người rèn dao sẽ được hình thành từ phần chuôi trước, rồi mới đến phần lưỡi. Nhưng có người thì ngược lại, khi nào rèn được phần lưỡi ưng ý người ta mới trau chuốt đến phần chuôi. Đây là cách rèn hay được áp dụng nhiều nhất.

Người Mông quan niệm hình dáng của dao không quan trọng mà quan trọng là ở chất lượng. Hình dáng có thể sửa được nhưng độ sắc của dao thì chỉ rèn một lần. Để có thể học được nghề rèn, người thợ phải có sức khỏe, có cảm nhận thật tinh tế của đôi tai và đôi mắt. Quan trọng phải dùng tay, dùng sức, sự cảm nhận, đặc biệt là sự nhạy bén của đôi mắt. Để có một con dao tốt thì đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện được đúc kết qua nhiều năm của người thợ rèn chứ không có một công thức chung nào cả.

“Muốn chuẩn, muốn đẹp thì mắt phải nhìn kỹ vào con dao. Mắt không nhìn chuẩn thì đánh chỗ dày chỗ mỏng thì không sắc, không chuẩn.” - ông Cứ A Khua, bản Dê Dàng, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa, chia sẻ.

Trong khâu tôi thép của người Mông có một bí quyết riêng để tạo nên những sản phẩm nông cụ truyền thống có chất lượng cao. Đó là khả năng nhìn màu thép để đưa vào tôi. Người Mông có nhiều cách tôi thép khác nhau, có loại thép thì tôi bằng nước có cho một lượng muối vừa phải, có loại thì tôi bằng nước của thân cây chuối và cũng có thể là bằng dầu nhớt. Người thợ phải biết cách xem loại thép để chọn cách tôi như thế thì dao mới sắc và bền.

Sau khi tôi xong là đến giai đoạn mài dao, người Mông thường mài dao bằng đá suối. Và tất nhiên không phải hòn đá suối nào cũng có thể dùng để mài dao. Đây cũng là một bí quyết để giúp hoàn thiện sản phẩm tốt nhất.

Trong nhịp sống hiện nay cũng như các nghề truyền thống khác, nghề rèn của người Mông gặp không ít khó khăn. Sản phẩm làm ra vẫn chưa được tiêu thụ rộng rãi mà chỉ phục vụ cho nhu cầu bà con trong xã, bản là chủ yếu. Các sản phẩm kim khí nhập ngoại từ Trung Quốc hoặc từ các nhà máy lớn trong nước có giá rẻ hơn đã làm cho các sản phẩm rèn ra không thể cạnh tranh được, do đó tìm đầu ra cho sản phẩm là rất khó.

Dù vậy nhưng những thợ rèn ở Tủa Chùa và nhiều thợ rèn khác ở các bản làng người Mông ở tỉnh Điện Biên họ vẫn cố gắng giữ lấy nghề. Bởi vẫn còn những người chỉ ưa dùng dao tự rèn đó chính là động lực để những người thợ giữ lửa lò rèn./.

 

 

Hoàng Giang - Huy Long/DIENBIENTV.VN

 

.