Điện Biên nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch

Thứ Bảy, 04/06/2022, 11:07 [GMT+7]

Điện Biên TV -

Điện Biên TV - Hiện nay, du lịch Điện Biên đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo du khách. Vậy nhưng điều đó cũng đặt ra nhiều yêu cầu, thách thức đối với lĩnh vực du lịch, trong đó có vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong bối cảnh môi trường hoạt động du lịch ngày càng chuyên nghiệp, yêu cầu của du khách ngày càng cao, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch càng trở nên cấp thiết.

d
Khách du lịch tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ...

Đoàn cựu chiến binh tỉnh Hà Giang đến tham quan các di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, trong đó có di tích đồi A1, nơi diễn ra những trận đánh khốc liệt nhất giữa bộ đội ta và quân đội của thực dân Pháp. Trong đoàn người đến lần đầu, người đã đến nhiều lần nhưng đều bồi hồi, xúc động trước những câu chuyện về cuộc chiến hào hùng năm xưa.

“Tôi đến từ tỉnh Hà Giang, cách thành phố Điện Biên Phủ hơn 500km. Hôm nay tôi đến Điện Biên đây là lần thứ hai, dịp trước đến thì rất là đông chưa được xem và thuyết minh nhiều về chiến dịch. Hôm nay chúng tôi đến và được hướng dẫn viên giới thiệu các trận đánh, các di tích lịch sử thì chúng tôi rất là hài lòng. Chúng tôi chắc chắn sẽ còn đến tham quan du lịch nhiều lần nữa.” - Ông Nguyễn Tất Thiện, Du khách tỉnh Hà Giang chia sẻ.

Không riêng đoàn khách tham quan của ông Thiện, du khách thập phương đến với các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Điện Biên lâu nay đã quen thuộc và ấn tượng với những hướng dẫn viên xinh đẹp, trẻ trung. Với vốn kiến thức phong phú, có sự am hiểu sâu sắc về lịch sử, các hướng dẫn viên đã mang đến cho du khách những trải nghiệm đầy đủ, chân thực về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Mỗi hướng dẫn viên, qua thực tế công tác đã không ngừng học tập, rèn luyện để phát huy sở trường, thế mạnh của bản thân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chị Bạch Thị Hoàn, Hướng dẫn viên Ban quản lý Di tích tỉnh Điện Biên cho biết: “Với vai trò là hướng dẫn viên, bản thân tôi không ngừng học hỏi để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do cơ quan tổ chức. Chúng tôi thường xuyên nghiên cứu tài liệu, tham mưu cho phòng, đơn vị bổ sung kiến thức vào nội dung thuyết minh để tạo sự lôi cuốn với du khách. Ngoài ra chúng tôi cũng được đi tham gia các đợt thực tế ở các tỉnh thành khác để học hỏi và vận dụng vào thực tế công tác.”

Ban quản lý Di tích tỉnh Điện Biên được thành lập theo Quyết định số 992/QĐ-UBND ngày 15/10/2019 của UBND tỉnh Điện Biên và chính thức đi vào hoạt động từ 1/1/2020. Trong thời gian qua, đơn vị đã tập trung thực hiện chức năng quản lý, nghiên cứu, kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng, bảo tồn, tôn tạo và khai thác phát huy giá trị các di tích lịch sử. Để đảm bảo hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đơn vị đặc biệt chú trọng đến công tác kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ.

d
... đồi A1.

Đến nay, đơn vị có trên 50 cán bộ, công chức, người lao động trong đó chủ yếu là đội ngũ hướng dẫn viên, bảo vệ, nhân viên vệ sinh. Qua đánh giá, đội ngũ cán bộ của đơn vị cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao và không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Ông Nguyễn Anh Đạo, Giám đốc Ban quản lý Di tích tỉnh Điện Biên cho biết: “Qua 2 năm đi vào hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh, rất khó khăn nhưng chúng tôi đã rất nỗ lực cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó, công tác quản lý, bảo vệ, vệ sinh môi trường được chú trọng. Về công tác thuyết minh, hàng năm xây dựng kế hoạch cụ thể để kiểm tra theo các đợt và cử đi tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, kỹ năng.”

Theo thống kê của Sở VHTT&DL, năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19, số lao động phục vụ trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh có khoảng 14 nghìn người. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát, nhiều đơn vị đã tạm dừng hoạt động, đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động, dẫn đến số lượng nhân lực phục vụ trong lĩnh vực du lịch giảm mạnh. Năm 2020, số lao động chỉ còn khoảng 6 nghìn người và năm 2021 chỉ còn khoảng 3 nghìn người.

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có nhiều đơn vị, doanh nghiệp, khu điểm du lịch đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, có nhiều giải pháp để giữ chân lao động, nhất là những người có kinh nghiệm, có trình độ. Từ đó, khi du lịch phục hồi, mở cửa trở lại đảm bảo đủ nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu du khách.

Trong những năm qua, ngành VHTT&DL tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh phối hợp, liên kết tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Qua đó, chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên, phục vụ đắc lực cho phát triển du lịch. Tuy nhiên, qua đánh giá, nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở VHTTT&DL tỉnh Điện Biên cho biết: “Một trong những khó khăn, tồn tại chúng tôi đánh giá nguồn nhân lực từ cơ quan quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp còn khá hạn chế. Để khắc phục, trong Đề án phát triển du lịch của tỉnh chúng tôi đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp. Thứ nhất là nguồn nhân lực trong các cơ quan quản lý, rồi trong các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn vì đội ngũ đã qua đào tạo còn rất hạn chế. Hàng năm, chúng tôi đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các nhóm đối tượng. Bởi du lịch ngày càng phát triển, nhu cầu nhân lực ngày càng lớn và vấn đề chất lượng nguồn nhân lực thì cần được quan tâm để phục vụ nhu cầu của du khách.”

Trong bối cảnh du lịch có bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu về nguồn nhân lực và yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã và đang là vấn đề cấp thiết. Chính vì vậy, trong thời gian tới, ngành Du lịch cần quan tâm, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ quản lý, người lao động tại các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp du lịch, các bản văn hóa du lịch; có chính sách đãi ngộ phù hợp để người lao động yên tâm, gắn bó lâu dài với công việc, nhất là lao động địa phương... Từ đó, từng bước xây dựng nguồn nhân lực du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách.

 

 

Chu Linh - Tiến Thế/DIENBIENTV.VN

.