Chữa bệnh "có tiền mà không tiêu được"

Thứ Bảy, 04/06/2022, 07:53 [GMT+7]

Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm mới đạt trên 22% kế hoạch, trong đó, có tới 41/51 bộ và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%.

21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%

Năm 2022 nhiệm vụ rất nặng nề khi số vốn cần giải ngân rất lớn, bao gồm cả vốn của chương trình phục hồi kinh tế xã hội. "Có tiền mà không tiêu được" đó là những gì mà các Đại biểu Quốc hội đã nói về việc chậm giải ngân vốn đầu tư công trong phiên thảo luận về kinh tế, xã hội.

Thời gian qua, Thủ tướng liên tục có chỉ đạo và đã thành lập 6 tổ công tác ở các bộ, ngành và địa phương để nắm bắt kịp thời, tại sao nguồn vốn quan trọng này chưa giải ngân được? Tại sao tiến độ chậm? Nhiều vướng mắc lớn cản trở giải ngân đã được chỉ ra.

Như tại dự án kè phía trái sông Yến, thành phố Cao Bằng với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng. Sau gần 1 năm thi công nhưng nhiều hạng mục chính vẫn chưa được hoàn thành. Mùa mưa đến khiến công trình khó triển khai, nguy cơ chậm tiến độ ngày càng hiện hữu.

Đây cũng là tình hình chung của nhiều dự án khiến tỉnh Cao Bằng hiện mới giải ngân chưa được 7% trong tổng số hơn 3.300 tỷ đồng vốn đầu tư công được giao.

"Chúng tôi xác định nguyên nhân chủ quan là chính nhưng có một phần hơn 900 tỷ đồng chúng tôi để dành cho dự án cao tốc nhưng đến nay dự án vẫn chưa có chủ trương đầu tư được phê duyệt và chưa được phê duyệt dự án", ông Hoàng Xuân Ánh - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết.

Ngoài những nguyên nhân cố hữu như chậm giải phóng mặt bằng, công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án còn hạn chế thì việc trong 5 tháng đầu năm giá nhiều loại vật liệu xây dựng, nguyên liệu đầu vào tăng cũng làm chậm tiến độ giải ngân. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn nằm ở vai trò của người đứng đầu các địa phương.

Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Vẫn còn 41 Bộ và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%. Trong đó có 5 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn năm nay.

UBND TP Hồ Chí Minh cho biết đến cuối tuần trước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của đầu tầu kinh tế này mới đạt 4.300 tỷ đồng trên tổng số vốn được giao năm nay là 45.000 tỷ đồng, tương đương 13,5%. Con số vừa nêu thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước là hơn 22%. Đây là điều đáng lo ngại vì điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GRDP của thành phố.

Vì sao "có tiền mà không tiêu được"?

"Giải ngân vốn đầu tư công chậm là vấn đề cố hữu, xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng nguyên ngân cơ bản là từ chủ quan lẫn khách quan", ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia đánh giá.

Theo ông Lực, khách quan là dịch bệnh diễn biến phức tạp thời gian qua và chúng ta mới mở cửa trở lại từ 15/2. Tiếp theo là giá nguyên vật liệu tăng rất mạnh 40 - 50% khiến thay đổi khâu dự toán của nhiều dự án, việc phê duyệt trở lại mất rất nhiều thời gian. Lý do khách quan tiếp theo là phải làm theo các quy trình, thủ tục trong Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng... vẫn còn tương đối phức tạp.

Về nguyên ngân chủ quan, theo ông Lực, giải ngân đầu tư công chậm xuất phát từ trách nhiệm người đứng đầu chưa quyết liệt, quyết tâm... Bên cạnh đó là sự phối kết hợp giữa bộ ngành và địa phương vẫn còn chưa ăn khớp, đặc biệt là tại những dự án liên tỉnh, liên vùng. Ngoài ra là tâm lý e ngại, sợ rủi ro; năng lực chủ đầu tư không tốt...

d
Vai trò người đứng đầu được đánh giá rất quan trọng trong việc giải ngân vốn đầu tư công (Ảnh minh hoạ)

Trong ngày 2/6, tại phiên thảo luận về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra một số vướng mắc về việc chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Thứ nhất, tiến độ và chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch vốn đầu tư, việc lựa chọn dự án xây dựng danh mục và chuẩn bị đầu tư danh mục và chuẩn bị đầu tư còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao.

Thứ hai, việc chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư công gặp nhiều khó khăn do hệ thống pháp luật quy định chưa đồng bộ và việc triển khai thực hiện các quy định còn lúng túng.

"Vai trò của người đứng đầu chưa được phát huy, kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, việc xử lý các vi phạm thì chậm trễ trong quản lý và sử dụng đầu tư công...", ông Dũng nói thêm về các nguyên nhân khiến việc giải ngân đầu tư công chậm.

Gỡ nút thắt giải ngân vốn đầu tư công

Về giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, theo ông Cấn Văn Lực, thứ nhất cần phải phân giao trách nhiệm những người đứng đầu rõ ràng hơn.

Tiếp theo nên triển khai mô hình tổ công tác, bởi điều này sẽ giúp tăng khả năng phối kết hợp nhiều bộ phận sở ban ngành, thay vì "công văn đi, công văn về" có thể mất đến vài tháng.

Cùng với đó theo ông Lực phải dứt khoát quyết tâm rà soát, cải tiến cơ chế chính sách, quy trìn thủ tục, bao gồm cả đầu tư, xây dựng, đấu thầu trong và ngoài nước. Tiếp theo cần hết sức chú trọng năng lực của chủ đầu tư; chú trọng khâu chuẩn bị hồ sơ dự án...

"Khâu lập kế hoạch đề nghị đầu tư công trong một năm phải gắn với tên danh sách những dự án cụ thể. Đồng thời kiểm tra khả năng hấp thụ của dự án đến đâu, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, tránh lãng phí", ông Lực đề xuất.

t
Năm 2022, vốn đầu tư công của cả nước là trên 650.000 tỷ đồng

Năm 2022, vốn đầu tư công của cả nước là trên 650.000 tỷ đồng, tăng khoảng 200.000 tỷ đồng so với những năm trước. Giải ngân hết số vốn này là thách thức rất lớn vì gần nửa năm, các bộ ngành địa phương mới giải ngân... đạt trên 20%. Nếu giải ngân hết số vốn này vào các công trình, dự án thì sẽ tạo ra khoảng 1,7 điểm% tăng trưởng GDP của cả nước và đất nước sẽ có thêm nhiều công trình và hạ tầng. Do đó, nếu không thúc đẩy được giải ngân vốn đầu tư công thì đất nước và nền kinh tế sẽ chịu thiệt kép.

Điều đáng lo ngại nữa là giá xăng dầu tăng 30% sẽ ảnh hưởng đến tất cả loại giá vật liệu đầu vào của ngành xây dựng. Do đó, các nhà thầu có tâm lý làm cầm chừng... bởi nếu làm càng nhanh thì càng lỗ. Vì thế nếu không có giải pháp quyết liệt thì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm nay sẽ khó đạt mục tiêu.

Link: https://vtv.vn/kinh-te/chua-benh-co-tien-ma-khong-tieu-duoc-20220604053750203.htm

 

 

Theo VTV

.