Người dân ưa chuộng lựa chọn hàng Việt tiêu dùng
Điện Biên TV - Những năm gần đây, các sản phẩm “Made in Vietnam” ngày càng chứng minh vị trí vững chắc, ổn định trên thị trường nội địa với đa dạng mẫu mã và chất lượng được nâng cao. Người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên ngày càng ưu chuộng và lựa chọn tiêu dùng các sản phẩm hàng Việt Nam. Đây là bước tiến lớn của cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Những sản phẩm “Made in Vietnam” được bày bán phổ biến tại các cửa hàng tạp hóa, siêu thị trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ đang được các khách hàng ngày càng ưa chuộng và dần khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa. Theo một cuộc khảo sát, thăm dò ý kiến của Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức kết quả thu về có tỷ lệ 94% người được hỏi đã thay đổi nhận thức và hành vi ưu tiên mua và sử dụng hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam. Có nhiều lý do để người tiêu dùng ưa chuộng hàng Việt nhiều hơn và một trong số đó chính là vấn đề sức khỏe. Hàng Việt Nam chất lượng cao với đa dạng từ mẫu mã đến thể loại sẽ đáp ứng được những kỳ vọng đó với chất lượng sản phẩm cao và giá thành hợp lý.
“Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày không chỉ nhà tôi mà thấy rất nhiều gia đình khác đều ưu tiên dùng hàng Việt Nam, vì mẫu mã, bao bì đẹp; trong quá trình sử dụng tôi thấy chất lượng đảm bảo.” - chị Trần Hồng Hà, phường Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ chia sẻ.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" các đơn vị cung ứng trên địa bàn cũng tăng cường nhập hàng và bán các sản phẩm Việt Nam đa dạng như: Hàng thực phẩm tươi sống, đồ gia dụng và các mặt hàng thiết yếu...
Những sản phẩm “Made in Vietnam” được bày bán phổ biến tại các cửa hàng tạp hóa, siêu thị trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ. |
Chị Hoàng Thị Dung, Quản lý Siêu thị Tâm Đỏ, thành phố Điện Biên Phủ cho biết: “Theo xu hướng người Việt dùng hàng Việt nên lượng hàng Việt trong siêu thị chúng tôi bày bán chiếm 85%. So với hàng nhập khẩu, Hàng Việt giờ mẫu mã, chất lượng không kém hàng xuất khẩu. Nhiều mặt hàng chất lượng còn vượt trội hàng nhập khẩu nên siêu thị chúng tôi đang hướng về hàng Việt nhiều.”
Để hàng Việt Nam chạm đến "trái tim” của người tiêu dùng và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường hàng hóa, thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Điện Biên cũng tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị cung ứng hàng hóa thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Cuộc vận động đã đạt được nhiều kết tích cực với nhiều cách làm hay, sáng tạo, đưa hàng hóa Việt tiếp cận gần hơn với người dân; thái độ, sự quan tâm của người tiêu dùng Việt đối với các sản phẩm nội địa cũng được nâng cao.
Ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Điện Biên cho biết: “Tổ chức tốt việc đưa hàng Việt về nông thôn, đây là chương trình mà Bộ Công Thương cũng như UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương tập trung đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn. Thứ hai là xây dựng các điểm bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh, năm nay, đơn vị đã khảo sát xây các điểm bán hàng Việt trên địa bàn huyện Tủa Chùa. Trong những năm qua, đơn vị đã xây dựng điểm bán hàng ở thành phố Điện Biên Phủ và huyện Tuần Giáo. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ đề xuất với Bộ Công Thương xây dựng những điểm bán hàng Việt trên địa bàn huyện vùng sâu, vùng xa như Mường Nhé, Nậm Pồ.”
Nhận thức, thói quen tiêu dùng hàng Việt của người dân đã có sự thay đổi rõ rệt. Hàng Việt ngày càng được người dân ưa chuộng sử dụng. Do vậy, cùng với các nhà sản xuất, doanh nghiệp trong cả nước; các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã đồng hành cùng cuộc vận động bằng những việc làm thiết thực như: Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm; tăng cường thông tin, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng; phát triển hệ thống mạng lưới đại lý bán buôn, bán lẻ tới tận các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa… Qua đó, giúp hàng Việt ngày càng chiếm được niềm tin và tình cảm của người tiêu dùng.
Đào Phương - Bùi Tiến/DIENBIENTV.VN