Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Giáo dục
Điện Biên TV - Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã có những chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, tạo nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác quản lý và các hoạt động giáo dục. Qua đó, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đóng góp tích cực vào quá trình thực hiện Đề án chuyển đổi số của tỉnh.
Không đơn thuần sử dụng những dụng cụ học tập truyền thống, tiết học ngữ văn của học sinh lớp 4, Trường Tiểu học thị trấn Mường Chà được cô giáo Nguyễn Thị Phương truyền thụ bằng bộ giáo án điện tử và trình chiếu trên màn hình ti vi với những video, hình ảnh, âm thanh sinh động. Vì thế mà bài giảng của cô giáo đã tạo sự cuốn hút, hứng thú đối với các học sinh. Công tác chuyển đổi số được nhà trường chú trọng thực hiện trong giảng dạy và công tác quản lý. Hiện nay, 100% giáo viên sử dụng giáo án điện tử, các kế hoạch, văn bản điều hành, chỉ đạo của ban giám hiệu đều sử dụng bằng văn bản mềm không dùng văn bản giấy.
Cô giáo Nguyễn Thị Phương, Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Mường Chà, cho biết: “Nhà trường đang áp dụng thiết bị dạy học số ở tất cả các lớp; chúng tôi cũng có cả kho dữ liệu học liệu số, hàng tháng hàng tuần ban giám hiệu cũng cho giáo viên đưa các bài giảng hay vào kho dữ liệu của trường để giáo viên có thể lấy ở đó để làm tư liệu.”
Không riêng huyện Mường Chà, tại các huyện khác như huyện Điện Biên, Mường Ảng, Nậm Pồ, … công tác chuyển đổi số được các đơn vị trường thực hiện nghiêm túc. Nếu như thời gian trước, công tác quản lý trong giáo dục chủ yếu thông qua hồ sơ, sổ sách là chính, thì giờ đây, việc quản lý hồ sơ, sổ sách của cán bộ, giáo viên đã được đơn giản hóa bằng công nghệ thông tin, đặc biệt là khi áp dụng Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hệ thống hồ sơ quản lý giáo dục. Các dữ liệu của ngành giáo dục tất cả đã được cập nhật vào hệ thống phần mềm giúp cho cán bộ quản lý tiện lợi, không rườm rà về mặt sổ sách.
Việc áp dụng CNTT vào dạy và học tạo nhiều hứng thú cho cả giáo viên và học sinh. (Ảnh minh họa) |
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên: “Phòng đã giao 1 đồng chí lãnh đạo phụ trách về ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ đạo các trường sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý, sử dụng dữ liệu quốc gia, phần mềm phổ cập, xóa mùa chữ, quản lý trường học. Đồng thời, chỉ đạo đội ngũ giáo viên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, nhất là trong giai đoạn phải chuyển từ dạy học trực tiếp sáng trực tuyến và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.”
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong quản lý giáo dục. Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục đã kết nối internet tốc độ cao, 90% các trường sử dụng phần mềm quản lý, trong đó hầu hết là phần mềm quản lý theo mô hình trực tuyến. Ngành cũng thực hiện cải cách thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4 trong các nội dung tuyển sinh, đăng ký thi tốt nghiệp THPT, đăng ký các trường đại học, cao đẳng. Các đơn vị trường cũng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên: “Ngành Giáo dục và Đào tạo xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm nâng cao chất lượng trong công tác quản lý của ngành cũng như đổi mới hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá trong toàn ngành. Hiện tại, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cũng đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về chuyển đổi số. Chúng tôi cũng nghiên cứu và đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng thông tin, các phòng học trực tuyến, phòng tin học, hệ thống mạng, băng thông mở rộng, wifi đến các điểm trường chính. Ngoài ra, ngành cũng tăng cường công tác bồi dưỡng cho các cán bộ giáo viên nhằm nâng cao chất lượng trong công tác chuyển đổi số.”
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học trực tuyến và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Đồng thời, tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, khuyến khích các đơn vị phát triển và khai thác kho học liệu số, hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành đáp ứng yêu cầu đổi, hiện đại hóa giáo dục./.
Đào Phương - Bùi Tiến/DIENBIENTV.VN