Điện Biên

Nhiều khó khăn trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Thứ Năm, 12/01/2023, 16:01 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tiếp tục chương trình giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, sáng 12/1, Đoàn ĐBQH tỉnh do đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh.

Tham gia đoàn giám sát có đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại biểu Quàng Thị Nguyệt, công chức Hội LHPN huyện Mường Chà, đại biểu Quốc hội tỉnh khoá XV; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh. Làm việc với đoàn có đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

1
Đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc.

Thời gian qua, việc tham mưu và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, ngành được UBND tỉnh thực hiện bài bản, kịp thời đảm bảo mục đích, yêu cầu, nội dung đổi mới và lộ trình thực hiện nêu trong Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội. Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục đã chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch giáo dục, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá, phương pháp dạy học theo hướng phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Qua thực hiện Nghị quyết bước đầu đã tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, khi triển khai chương trình còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: Thiếu biên chế giáo viên; nhận thức của một bộ phận giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực phẩm chất học sinh còn hạn chế; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học mặc dù đã được trang bị nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Tại buổi làm việc đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành đã giải trình những nội dung đoàn giám sát yêu cầu. Đồng thời, kiến nghị đề xuất với các cấp có thẩm quyền như: Sớm xây dựng đề án kiên cố hóa trường lớp học tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng phòng học, bộ môn, phòng nghệ thuật, thư viện đạt chuẩn, nhà đa năng cho các đơn vị còn thiếu. Tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên đối với các môn tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật; sớm bổ sung, nâng cao kinh phí sửa chữa, mua sắm trang thiết bị dạy học; mở rộng khuôn viên những trường có diện tích nhỏ…

Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh: Việc áp dụng chương trình sách giáo khoa mới chắc chắn sẽ phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, do đó tỉnh cùng các sở, ngành đặc biệt là ngành Giáo dục và Đào tạo phải quyết tâm, nỗ lực thực hiện. Đoàn sẽ tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của tỉnh làm cơ sở kiến nghị Quốc hội sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp để đạt mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo./.

 

 

Thu Nga - Chí Công/DIENBIENTV.VN

 

.