ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XI CỦA ĐẢNG (THÁNG 1-2011)
Điện Biên TV - Đại hội lần thứ XI của Đảng họp từ ngày 12 đến 19-1-2011, tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 1.377 đại biểu, thay mặt cho hơn 3,6 triệu đảng viên trong toàn Đảng.
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XI CỦA ĐẢNG (THÁNG 1-2011)
Trải qua 25 năm tiến hành đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã giành được những thành tựu hết sức to lớn trên mọi phương diện của đời sống xã hội. Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X đã tạo ra thế và lực mới đưa sự nghiệp đổi mới tiếp tục đi vào chiều sâu. Vượt qua những khó khăn, thử thách gay gắt, nhất là ảnh hưởng bất lợi của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, đời sống nhân dân được cải thiện. Đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, vượt qua ngưỡng của một nước thu nhập thấp. Sức mạnh quốc gia được tăng cường, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh hơn trong giai đoạn phát triển mới.
Tuy nhiên, nước ta vẫn đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng vẫn tiềm ẩn những nhân tố bất trắc, khó lường. Toàn cầu hóa và cách mạng khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy hình thành xã hội thông tin và kinh tế tri thức, tác động nhiều mặt đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Kinh tế thế giới mặc dù có dấu hiệu phục hồi sau khủng hoảng, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Cạnh tranh về kinh tế - thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, năng lượng, thị trường, công nghệ, nguồn vốn... giữa các quốc gia ngày càng gay gắt. Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, thiên tai, dịch bệnh... tiếp tục diễn biến phức tạp. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực phát triển năng động nhưng còn tồn tại nhiều nhân tố gây mất ổn định, nhất là vấn đề tranh chấp lãnh thổ, biển đảo.
Nền kinh tế đất nước phát triển chưa bền vững, chủ yếu còn tăng trưởng theo chiều rộng. Thể chế kinh tế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm yếu cản trở sự phát triển. Những hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường chưa được khắc phục có hiệu quả. Quốc phòng, an ninh còn nhiều hạn chế. Dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ, quyền tự do, dân chủ của nhân dân còn bị vi phạm. Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế và quản lý đất nước. Công tác xây dựng Đảng còn nhiều yếu kém, chậm được khắc phục.
Trong bối cảnh đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã được triệu tập. Sau một ngày họp nội bộ, Đại hội họp công khai từ ngày 12 đến ngày 19-1-2011. Dự Đại hội có 1.377 đại biểu thay mặt hơn 3,6 triệu đảng viên trong cả nước.
Đại hội kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu và yếu kém, khuyết điểm trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, tổng kết sâu sắc 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội X, Đại hội rút ra một số kinh nghiệm lịch sử:
“Một là, trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào, phải kiên trì thực hiện đường lối và mục tiêu đổi mới, kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đổi mới toàn diện, đồng bộ với những bước đi thích hợp. Tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế phải gắn với chú trọng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, giữ vững truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc. Mở rộng, phát huy dân chủ phải gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương và ý thức trách nhiệm của mỗi công dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cả cộng đồng.
Hai là, phải thật sự coi trọng chất lượng, hiệu quả tăng trưởng và phát triển bền vững. Nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng hợp lý, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng cường huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế. Phát triển lực lượng sản xuất phải đồng thời xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp; củng cố và tăng cường các yếu tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế.
Ba là, phải coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là trong tình hình kinh tế khó khăn, suy giảm; gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường quan hệ đối ngoại, thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bốn là, đặc biệt chăm lo củng cố, xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Thật sự phát huy dân chủ đi đôi với giữ gìn kỷ luật, kỷ cương; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường đoàn kết thống nhất, gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững vàng về chính trị, tư tưởng, trong sáng về đạo đức, lối sống, có sức chiến đấu cao, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
Năm là, trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo phải rất nhạy bén, kiên quyết, sáng tạo, bám sát thực tiễn đất nước; chú trọng công tác dự báo, kịp thời đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình mới; tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội”[72].
Đại hội thảo luận và nhất trí thông qua các văn kiện: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; Báo cáo chính trị; Báo cáo một số vấn đề về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X.
Các văn kiện được thông qua tại Đại hội là sự tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991 - 2001), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2001 - 2010) và 5 năm thực hiện phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội (2006 - 2010), kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân ta.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được Đại hội thông qua kế thừa và phát triển Cương lĩnh năm 1991 trên nhiều phương diện. Cương lĩnh đánh giá khái quát, cô đọng quá trình cách mạng Việt Nam, nêu rõ những đặc điểm nổi bật của thời đại trong giai đoạn hiện tại.
Cương lĩnh xác định: “Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[73]. Để thực hiện mục tiêu to lớn đó, Cương lĩnh vạch rõ phải quán triệt và thực hiện tốt các phương hướng cơ bản sau:
Một là, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Hai là, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ba là, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Bốn là, bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Năm là, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Sáu là, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất.
Bảy là, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Tám là, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Cương lĩnh chỉ rõ những định hướng lớn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, về bản chất và vai trò lãnh đạo của Đảng, khẳng định phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chủ trương nhất quán, lâu dài của Đảng.
Đại hội thảo luận và thông qua nhiều quyết sách quan trọng trên tất cả các lĩnh vực cơ bản và trọng yếu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những năm tới. Đại hội chỉ rõ, mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”[74].
Đại hội xác định giữ vững bản chất và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực trí tuệ, phẩm chất và đạo đức cách mạng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin và sự mong đợi của nhân dân cả nước là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Đại hội khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta “tận dụng tốt thời cơ, vượt qua thách thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nhanh, bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”[75].
Đại hội “kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, của Đảng, nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, năng động và sáng tạo, ra sức thi đua quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng”[76].
Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI gồm 175 ủy viên chính thức, 25 ủy viên dự khuyết. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 14 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng là đại hội mở đường cho đất nước tiến vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, kết quả của một quá trình chuẩn bị công phu, nghiêm túc của Trung ương. Thành công của Đại hội cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tranh thủ thời cơ, đưa đất nước tiếp tục tiến lên.
Còn nữa...
[72] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.315-317.
[73] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr.71.
[74] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr.320,266,325-326.
[75] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr.320,266,325-326.
[76] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr.320,266,325-326.
BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG