Người Tủa Chùa làm du lịch

Thứ Hai, 27/03/2023, 14:04 [GMT+7]

Điện Biên TV - Huyện Tủa Chùa có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Từ hệ thống hang động, đến cao nguyên đá hay vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, thủy điện Trung Thu; từ địa hình sông nước núi non hữu tình cho đến nền văn hóa lâu đời của các dân tộc trên địa bàn. Những năm gần đây, nhân dân Tủa Chùa đang từng bước làm du lịch. Song việc phát triển du lịch ở Tủa Chùa vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Trên cánh đồng Chiếu Tính nơi giáp ranh giữa 2 xã Tả Phìn và Trung Thu của huyện Tủa Chùa, bắt đầu từ cuối năm 2022 sang đầu năm 2023, một số hộ gia đình tại địa phương đã đặt nền móng đầu tiên để phát triển du lịch. Điểm dừng chân ngắm cánh đồng Chiếu Tính được xây dựng ở vị trí điểm cao nằm ngay bên tuyến đường liên xã. Từ chòi nghỉ chân, nhân dân, du khách có thể phóng tầm mắt xuống thung lũng phía dưới ngắm cánh đồng Chiếu Tính và gò đất có hình con rùa. Điểm dừng chân này là do vợ chồng chị Cà Thi Tiên và anh Vừ A Kỷ xây dựng nên. Họ đang từng bước phát triển du lịch trên quê hương theo cách riêng của mình.

“Bước đầu mình xây dựng điểm dừng chân này là bởi cánh đồng Chiếu Tính là một điểm có view chụp ảnh đẹp. Hai vợ chồng có ý tưởng xây điểm view này lên để nhiều người biết đến cảnh đẹp nơi đây.” - chị Cà Thị Tiên, xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa, chia sẻ.

1
Điểm dừng chân ngắm cánh đồng Chiếu Tính tại xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa.

Cách điểm dừng chân ngắm cánh đồng Chiếu Tính không xa, chỉ khoảng hơn 10 km chính là trung tâm xã Trung Thu. Trung Thu là một trong những xã có nhiều cảnh đẹp ở huyện Tủa Chùa. Trong đó, thắng cảnh đẹp nhất ở Trung Thu chính là đồi thông. Tại đồi thông, xã Trung Thu mới xây dựng điểm nghỉ chân mang tên “Po Chừa Lừ”.

Với độ cao 1.400 mét so với mực nước biển, từ đồi thông du khách có thể phóng tầm ngắm xuống nhiều vị trí như dòng sông Nậm Mức xanh ngắt ngậm nước lòng hồ thủy điện Trung Thu; phía xa là địa phận huyện Mường Chà, ngay dưới chân đồi là những bản nhỏ bình yên. Điểm dừng chân “Po Chừa Lừ” hiện nay là nơi giải trí của nhân dân trong xã; cũng là nơi các bạn trẻ biểu diễn các điệu múa, lời ca dân tộc dịp cuối tuần và là điểm hẹn chờ đón du khách yêu thích sự lãng mạn của đồi thông luôn lộng gió reo.

Phát huy những lợi thế về giao thông thuận tiện, cảnh sắc trữ tình, có núi, có suối, có sông và có cánh đồng bằng phẳng dưới chân bản, nhiều hộ gia đình ở bản Phai Tung, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa đang từng bước hình thành dịch vụ lưu trú cộng đồng. Hiện nay trong bản Phai Tung đang có 3 hộ gia đình làm homestay. Trước mắt là để đặt nền móng cho du lịch cộng đồng ở bản. Thứ hai là hướng tới mục tiêu cả bản làm du lịch cộng đồng.

Nhân dân ở nhiều nơi của huyện Tủa Chùa đang từng bước khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương để làm du lịch như vậy. Về mặt tiềm năng để phát triển du lịch, huyện Tủa Chùa được nhiều đoàn khảo sát đánh giá đây chính là mảnh đất vừa thơ mộng, vừa hùng vĩ. Có thể nhắc đến hệ thống 5 hang động đã được công nhận di tích cấp tỉnh và cấp Quốc gia gồm: hang Hấu Chua, hang Khó Chua La, hang Xá Nhè, Thẩm Khến, hang động Pê Răng Ky.

1
Lối vào hang động Khó Chua La thuộc bản Pàng Dề A1, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa.

Tủa Chùa cũng là số ít địa phương ở tỉnh Điện Biên có diện tích cao nguyên đá tai mèo rộng lớn. Di tích Thành Vàng Lồng; lòng hồ sông Đà; lòng hồ thủy điện Trung Thu. Cùng với đó là nền văn hóa đậm đà bẳn sắc các dân tộc thiểu số. Theo Đề án Phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2032, huyện Tủa Chùa có tới 21 điểm tham quan để phát triển du lịch. Và cũng là địa phương giàu tiềm năng phát triển du lịch xếp vào tốp đầu trong tỉnh. Tuy nhiên, nhiều năm qua dù địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhưng việc phát triển du lịch ở Tủa Chùa mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ hoặc là tự phát, chưa thể khai thác hết các tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Ông Đặng Tiến Công, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tủa Chùa, cho biết: “Với tiềm năng như vậy song dưới góc độ phát triển du lịch của huyện trong những năm gần đây thì vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Cũng có rất nhiều nguyên nhân. Cơ bản là về hạ tầng giao thông. Hiện tại, hệ thống giao thông từ trung tâm huyện đi đến các điểm có tiềm năng du lịch đều đang xuống cấp. Một số điểm còn chưa được cứng hóa. Công tác quảng bá, xúc tiến vẻ đẹp của Tủa Chùa đến du khách là còn hạn chế. Các đơn vị lữ hành đóng trên địa bàn huyện còn chưa có và ở nơi khác tìm hiểu đến còn ít. Và các dịch vụ phát triển cho du lịch như nhà nghỉ, nhà hàng thì vẫn còn dừng ở mức độ trung bình, còn thiếu và chất lượng chưa cao”.

Nghị quyết của Đảng bộ huyện Tủa Chùa đặt ra mục tiêu phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống dân tộc. Tủa Chùa phấn đấu đến năm 2030 trở thành huyện du lịch trọng điểm của tỉnh. Đây là mục tiêu khó thực hiện, nhưng huyện Tủa Chùa vẫn đang nỗ lực tăng cường hợp tác, liên kết với các địa phương trong và ngoài tỉnh, những nơi có điều kiện tương đồng, đang phát triển mạnh về du lịch của khu vực Tây Bắc, Đông Bắc như: Sa Pa, Mộc Châu, Mai Châu, Đồng Văn để quảng bá, xúc tiến du lịch. Qua đây từng bước xây dựng thương hiệu du lịch để thu hút du khách đến với Tủa Chùa./.

 

 

Hoàng Giang - Huy Long/DIENBIENTV.VN

 

.