Đề nghị rút gọn thời gian cách ly F1 là giáo viên, học sinh

Thứ Năm, 17/02/2022, 14:55 [GMT+7]

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Bộ Y tế xem xét rút gọn thời gian cách ly, số lần xét nghiệm với F1 là giáo viên, học sinh để tạo điều kiện mở cửa trường học.

1
Ảnh minh họa.

Kiến nghị trên vừa được Bộ GD-ĐT đưa ra tại báo cáo về tình hình học sinh trở lại trường học trực tiếp sau Tết Nguyên đán 2022.

Theo quy định mới nhất, F0 dừng cách ly sau 10 ngày xét nghiệm hai lần âm tính, F1 đã tiêm đủ hai mũi vaccine được tái hòa nhập sau 7 ngày nhưng đều cần tiếp tục theo dõi sức khỏe.

Báo cáo của Bộ Giáo dục cho biết trong đợt bùng phát dịch thứ tư (từ 27/4/2021 đến nay), toàn ngành ghi nhận gần 163.000 cán bộ, nhân viên, giáo viên, học sinh, sinh viên nhiễm COVID-19; riêng học sinh, sinh viên là hơn 135.000.

Trước tình hình đó, Bộ GD-ĐT cho biết, sẽ tiếp tục tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch ở một số địa phương.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để đánh giá tình hình dịch bệnh trong trường học, kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo đối với các tình huống phức tạp xảy ra; sửa đổi hướng dẫn xử trí với các trường hợp F0, F1 trong trường học phù hợp với thực tiễn.

Xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình Y tế trường học trong các cơ sở mầm non, phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025 (QĐ số 85/QĐ-TTg ngày 17/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Tăng cường công tác truyền thông chủ trương mở cửa trường học của Chính phủ, Bộ GDĐT…

Bộ GD-ĐT đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch nhất quán việc đưa trẻ em mầm non, học sinh đến trường đảm bảo an toàn. Quan tâm, đầu tư kinh phí và nhân lực y tế cơ sở cho các trường học trên địa bàn để đảm bảo công tác phòng, chống dịch khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp.

Trước kiến nghị của địa phương, Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Y tế xem xét, điều chỉnh quy định về thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm cho trường hợp F1 theo hướng rút gọn thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm đối với trường hợp F1 là giáo viên, trẻ em mầm non, học sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy mở cửa trường học (kiến nghị từ các địa phương).

Ban hành hướng dẫn và thống nhất với các địa phương về việc test sàng lọc học sinh khi tới lớp; test thường xuyên/định kỳ, cụ thể đối tượng nào cần test.

Đẩy mạnh việc tập huấn, hướng dẫn các địa phương trong việc điều trị, thuốc chữa bệnh cho trẻ em bị F0 nhằm tạo sự an tâm cho phụ huynh, đồng thuận trong dư luận xã hội.

"Bộ Y tế cho ý kiến chuyên môn về phòng chống dịch đối với việc cho trẻ em tới trường nhưng chưa được tiêm vaccine, việc tổ chức ăn bán trú, học hai buổi... để Bộ GD-ĐT và các địa phương thống nhất trong việc chỉ đạo, điều hành; ban hành Sổ tay hướng dẫn cho nhà trường và phụ huynh việc chăm sóc trẻ em F0 tại nhà để tổ chức tuyên truyền đến phụ huynh", Bộ GD-ĐT đề xuất.

Link: https://vtv.vn/giao-duc/de-nghi-rut-gon-thoi-gian-cach-ly-f1-la-giao-vien-hoc-sinh-20220217122559986.htm

 

 

Theo VTV

 

.