"Trời sinh voi, trời không sinh cỏ"

Thứ Hai, 20/09/2021, 15:37 [GMT+7]

Điện Biên TV - Mỗi đứa trẻ được sinh ra như một món quà quý giá mà tạo hóa ban tặng cho cuộc sống. Đón nhận “món quà” của mình như thế nào, để chúng có cơ hội sống một cách trọn vẹn, đủ đầy... là câu hỏi cần được tự vấn của mỗi bậc làm cha, làm mẹ. “Trời sinh voi, trời sinh cỏ” - quan niệm xa xưa đã không hoàn toàn đúng trong cuộc sống hiện tại, mà có lẽ đúng hơn với câu "Trời sinh voi, trời không sinh cỏ".  

Không đất canh tác, không nhà cửa kiên cố. Gia tài lớn nhất của anh Lý A Thào, bản Huổi Khương, xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ là 6 đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Không có điều kiện cho các con đi học, 2 đứa lớn nghỉ học giữa chừng, hàng ngày theo chân mẹ lên nương. Trong căn nhà nhỏ tuềnh toàng ngổn ngang, bên bếp lửa nguội ngắt dù đã quá giờ cơm, chỉ có 4 cha con lặng lẽ, quanh quẩn bên nhau. "Cạn nghĩ, đẻ là đẻ, đến bây giờ nuôi một bầy con mới thấy khổ sở, khó khăn cô ạ!" - anh Thào nói với chúng tôi.

Trẻ bận lo lên nương phụ giúp gia đình, lớn lên lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái. Vòng tuần hoàn ấy khiến cho nhiều thế hệ ở bản vùng cao Huổi Khương có chung một lựa chọn. Sinh đến 10 người con, thế nhưng bà Giàng Thị Nếnh cũng không đủ điều kiện để chăm lo đầy đủ cho các con từng ngày. Khi con trai thứ 4 của bà Nếnh phạm tội vướng vào vòng lao lý để lại 7 đứa cháu bé thơ, người phụ nữ ngoài 60 tuổi bất đắc dĩ lại trở thành cha mẹ chúng. Cuộc sống khó khăn giờ lại đè nén thêm nỗi dằn vặt về tinh thần.

1
Con trai vướng vòng vào lao lý để lại 7 đứa con thơ một tay bà Giàng Thị Nếnh chăm sóc.

“Tôi rất buồn vì ngày xưa đẻ đông con, cuộc sống nghèo khó, trường lớp thì xa nên không cho các con đi học được. Thiếu hiểu biết nữa, nghe kẻ xấu dụ dỗ nên con tôi vi phạm pháp luật. Các cháu giờ ở nhà rất vất vả, đều phải bỏ học về giúp mẹ làm nương.” - bà Nếnh buồn rầu nói.

Mang nặng quan niệm “đông con, đông của” vốn đã hằn sâu thành nếp, nhiều cặp vợ chồng mặc sức sinh con. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cuộc sống gia đình họ quẩn quanh trong đói nghèo, lạc hậu. Những đứa trẻ sinh ra, lớn lên trong thiếu thốn, không được chăm sóc, nuôi dạy chu đáo nên hầu hết đều bị ảnh hưởng bởi suy dinh dưỡng, đau ốm, thất học... Đây cũng chính là nỗi trăn trở của các cấp chính quyền, ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Xuân Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, cho biết: “Việc các hộ gia đình sinh con thứ 3 trở lên ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của huyện, ảnh hưởng đến nhu cầu sống của mỗi đứa trẻ. Trong khi đó, hầu hết các gia đình đông con đều khó khăn về kinh tế, khó có đủ điều kiện để quan tâm chăm sóc con cái chu đáo, ảnh hưởng đến sức khỏe, dinh dưỡng của các cháu...”

Những đứa trẻ được sinh ra vẫn tự lớn lên, nhưng không ai có thể bảo đảm cho chúng một cuộc sống đầy đủ cả về vật chất và tinh thần, được sống trong điều kiện tốt nhất để có thể lớn lên phát triển một cách toàn diện, ngoài chính những bậc sinh thành. “Trời sinh voi, trời sinh cỏ” - câu ca quan niệm xưa liệu có còn đúng, khi chính những đứa trẻ đang phải sống trong nỗi nhọc nhằn, phải chăng bởi chính những khoảng tối do những người làm cha, làm mẹ tạo nên./.

 

Minh Trang - Ngọc Hải/DIENBIENTV.VN
 

.