Ngày mới dưới chân đèo Pha Đin

Thứ Năm, 06/05/2021, 11:10 [GMT+7]

Điện Biên TV - “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ, đèo Lũng Lô anh hò chị hát” - câu thơ trong bài "Hoan hô chiến sỹ Điện Biên" của nhà thơ Tố Hữu như gợi lại chiến thắng hào hùng "Lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu" của dân tộc ta cách đây 67 năm về trước. Hôm nay, dưới chân đèo Pha Đin lịch sử, cuộc sống của người dân trên các bản mường của huyện Tuần Giáo đang từng ngày khởi sắc.

x
Một góc đèo Pha Đin.

Được mệnh danh là một trong "tứ đại đèo" của miền Bắc, đèo Pha Đin nằm ở độ cao trên 1.480 mét so với mực nước biển và được coi là cửa ngõ để vào thung lũng Điện Biên Phủ. Bởi vậy, đèo Pha Đin là một trong những rốn bom bị thực dân Pháp cho máy bay đánh phá nhằm ngăn chặn đường tiếp viện của ta cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Tuyến đường này đã ghi dấu biết bao bước chân của dân công hoả tuyến và bộ đội ta vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược phục vụ chiến dịch. Trong đó, Tuần Giáo vùng đất dưới chân đèo Pha Đin được ví như một Mường Thanh thu nhỏ với nhiều điều kiện thuận lợi về đất đai và khí hậu phù hợp cho sản xuất nông nghiệp.

Bởi vậy, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước đi xây dựng vùng kinh tế mới những năm 60 của thế kỷ 20, hàng trăm người dân ở miền xuôi đã lên vùng đất này để lập nghiệp. Bà con đã cùng với đồng bào Thái, người Mông đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế, chủ yếu là trồng lúa nước và ngô. Đến nay, huyện Tuần Giáo đã có 12.000ha gieo trồng cây lương thực có hạt, 1.320ha cây cao su, 342ha cây cà phê, 1.400ha mắc ca và gần 60 ha cây thảo quả. Bên cạnh đó, Tuần Giáo còn phát triển các loại cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao như: Sơn tra, thảo quả....

x
Huyện Tuần Giáo hiện có 12.000ha diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt.

Ông Vũ Văn Đức, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: “Chúng tôi tập trung vào các loại cây trồng trên đất dốc, về cây mắc ca đến nay đã trồng được 1.400ha và số cây trồng khác nữa như cao su, cà phê. Dưới tán rừng thì phát triển cây thảo quả, sa nhân, sơn tra. Riêng cây mắc ca trồng trước đã cho thu hoạch, bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế.”

Nằm ngay chân đèo Pha Đin, trước kia bản Hua Ca, xã Quài Tở còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, con em trong bản phải đi bộ tới trường trung tâm xã để học; điện, đường chưa có, số hộ nghèo trong bản chiếm gần 100%. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người Khơ Mú nơi đây đã biết khai hoang mở rộng diện tích gieo cấy lúa, biết áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất. Ngoài cây lúa, người dân còn biết tận dụng đất đồi để trồng các loại cây ăn quả, rau màu để cải thiện cuộc sống.

f
Bộ mặt đô thị miền núi thị trấn Tuần Giáo ngày một khởi sắc.

Hiện cuộc sống của bà con bản Hua Ca đã dần ổn định, niềm vui no ấm đang hiển hiện. Bản Hua Ca giờ đây nhà nào cũng được ngói hóa, có ti vi, có điện thắp sáng, có xe máy để đi lại. “Trước kia, người dân trong bản vất vả lắm, mọi thứ đều thiếu thốn. Bây giờ sướng lắm rồi, có trâu bò, có điện, có nước sinh hoạt, có ti vi, có đài. Trước kia, làm nương không năng suất, giờ làm ruộng thôi cũng thoải mái gạo ăn rồi, không phải ăn củ sắn như trước nữa, nay sắn để làm thức ăn chăn nuôi thôi.” - Chị Lường Thị Rươi, bản Hua Ca, xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo chia sẻ.

Không chỉ cuộc sống của người dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn, đô thị cũng có đổi thay đáng kể. Rõ nét nhất là thị trấn Tuần Giáo, những ngôi nhà cao tầng khang trang đang mọc lên, những con đường được mở rộng, nhà hàng, khách sạn ngày càng nhiều, dân cư đông đúc mang dáng vóc của một đô thị văn minh hiện đại.

Tạm biệt đèo Pha Đin, chia tay huyện Tuần Giáo, chúng tôi thầm biết ơn thế hệ cha ông đã hy sinh, cống hiến tuổi thanh xuân của mình để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc và càng thêm cảm phục sự năng động, sáng tạo của những người dân dưới chân đèo Pha Đin trong xây dựng cuộc sống hôm nay, để "hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng", tô điểm sắc màu cho bức tranh vùng quê nông thôn mới Tuần Giáo ấm no, hạnh phúc./.

 

 

Duy Sinh -  Minh Tuân/DIENBIENTV.VN

 

.