Tăng lương cần gắn liền với đánh giá lại vị trí việc làm
Tiền lương của cán bộ, công chức không thể cứ tăng dàn đều cho một đội ngũ hùng hậu như hiện nay. Đã đến lúc phải tinh gọn bộ máy cho hiệu quả.
Mức lương cơ sở năm 2020 sẽ tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng. Đây là tin "hơi vui" với những người làm công ăn lương. Nói là hơi vui vì việc tăng lương này nếu được thực hiện cũng không đáng là bao so với giá cả và chi phí sinh hoạt hiện nay. Cách nào để lương cán bộ, công chức tăng một cách có ý nghĩa; là động lực cho nhiều người làm việc?
Theo lộ trình cải cách chính sách tiền lương nêu tại Nghị quyết 27 thì từ năm 2021 sẽ bãi bỏ hoàn toàn mức lương cơ sở. Thay vào đó sẽ xây dựng bảng lương cho các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức bằng số tiền cụ thể và nêu trong 05 bảng lương mới dành riêng cho nhóm đối tượng được phân theo chức vụ và vị trí việc làm.
Cách trả lương hiện nay được phân theo ngạch, bậc, dựa trên thời gian làm việc 8 tiếng/ngày, 22 ngày/tháng. Ở nhiều lĩnh vực, chúng ta không có tiêu chí, công cụ để đo đếm, đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc, vì thế mà cán bộ, công chức cứ “auto” đến kỳ là lĩnh lương, đến hạn là tăng lương. Trả lương như vậy không tạo động lực cạnh tranh, không công bằng trong đánh giá con người.
Người có năng lực và người yếu kém được trả lương như nhau, thậm chí có những người yếu kém nhưng do “quan hệ” mà được cất nhắc lên các vị trí quản lý… Bất cập dễ thấy nhất là nhiều lãnh đạo quản lý phải chịu trách nhiệm rất lớn nhưng hưởng lương thấp hơn nhân viên chỉ vì nhân viên có thâm niên công tác lâu hơn. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám, nhiều khi gây bất mãn với người có năng lực.
Ngay từ bây giờ, các nhà quản lý, hoạch định chính sách phải có giải pháp quyết liệt trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản đội ngũ thì mới có điều kiện để tăng lương xứng đáng cho những người làm việc thực sự. Để làm được việc này, việc mô tả các vị trí việc làm phải thực sự chi tiết, khoa học, thang đánh giá năng lực cán bộ phải minh bạch, công khai. Khi công việc đã được mô tả theo một khung năng lực, thì một người dù mới vào hay đã làm việc lâu năm cứ đáp ứng yêu cầu công việc theo vị trí việc làm phải được trả lương tương xứng.
Nhiều người hy vọng, việc trả lương theo năng lực sẽ còn giúp chấm dứt được tình trạng chạy đua bằng cấp để được xếp lương. Một khi đã có năng lực tốt, đáp ứng được yêu cầu công việc thì câu chuyện bằng cấp không còn quá nhiều ý nghĩa.
Trả lương theo vị trí việc làm – cách làm này có thể còn mới lạ với hệ thống cơ quan Nhà nước nhưng đã rất phổ biến ở các nước phát triển, trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Có thể hiểu đó là cách “định giá” một công việc đòi hỏi một năng lực và sự tiêu hao sức lao động nhất định.
Ai cũng biết đây là cách làm hợp lý, công bằng nhưng để thực hiện thì không đơn giản, đặc biệt trong bối cảnh biên chế nở rộ, phình to như hiện nay. Nhiều người làm việc trong bộ máy hưởng lương ngân sách có mối quan hệ, ràng buộc với nhau. Thế nhưng “sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế như lấy đá ghè vào chân mình, đau cũng phải làm”. Bởi với một bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian thì không thể có điều kiện tăng lương./.
Theo An Nhi/VOV.