Chú trọng đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng Khoa học & Công nghệ
Điện Biên TV - Thời gian qua, công tác triển khai cũng như đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào đời sống, sản xuất trên địa bàn Tỉnh đã và đạt nhiều kết quả mang dấu ấn đậm nét. Đặc biệt là, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các dân tộc về vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, đơn vị của Tỉnh.
Dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều chương trình hành động, kế hoạch để chỉ đạo thực hiện, nhất là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, cơ chế cởi mở và môi trường thuận lợi cho hoạt động KH&CN. Cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho hoạt động KH&CN ngày càng được đầu tư hoàn thiện; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm của cán bộ, công chức làm công tác quản lý KH&CN của Tỉnh được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời qua đó, đã góp phần tích cực vào nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị- xã hội và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Điện Biên về vai trò, tầm quan trọng của KH&CN đối với việc ứng dụng KH&CN trên địa bàn Tỉnh ngày càng được nâng lên và đạt kết quả đáng ghi nhận.
Đồng chí Lê Văn Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả hoạt động năm 2016 và bỏ phiếu lựa chọn các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ triển khai năm 2017. (Ảnh:Nguồn KH&CN) |
Chỉ riêng năm 2016, Sở KH&CN Điện Biên đã tích cực phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh và một số cơ quan Trung ương, đã triển khai 33 danh mục đề tài, dự án. Các dự án được phân bổ như sau: Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 12 danh mục; khoa học xã hội nhân văn 10 danh mục; quốc phòng - an ninh 3 danh mục; y tế, giáo dục gồm 4 danh mục; điều tra, nghiên cứu 1 danh mục và các lĩnh vực khác 3 danh mục. Một số đề tài, dự án được đánh giá có hiệu quả cao như: Đề tài nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển bền vững các sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 2012 - 2015, tầm nhìn 2020; Dự án Hỗ trợ phát triển rừng bạch đàn; đánh giá thực trạng dịch tễ và thí điểm mô hình quản lý bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường type2 tại tỉnh; xây dựng phóng sự về di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh... góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Việc ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, chế biến đã đưa giá trị sản phẩm tăng đáng kể, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Sở KH&CN đã phối hợp với các cơ quan đơn vị trong tỉnh, các viện, cơ quan nghiên cứu ở Trung ương xây dựng các mô hình chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT trên nhiều cánh đồng như: Mường Báng, Mường Đun, Xá Nhè (huyện Tủa Chùa); xã Ẳng Tở, Ẳng Nưa, Ẳng Cang, Mường Đăng (huyện Mường Ảng); xã Mường Mùn, Quài Tở, Quài Cang, Quài Nưa, Chiềng Sinh, Pú Nhung (huyện Tuần Giáo); xã Luân Giói, Na Son, Pu Nhi (huyện Điện Biên Đông); Mường Phăng, Nà Tấu (huyện Điện Biên)… Các dự án đã làm tăng từ 15 - 25% năng suất cây trồng trong vùng, mang lại niềm phấn khởi cho nông dân. Dự án trồng đậu tương trên đất 1 vụ lúa triển khai trên 1.500ha đã có hiệu quả kinh tế cao, quan trọng hơn là đã giúp cho người dân biết khai thác tiềm năng đất đai đưa vào sản xuất, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Để có được những kết quả đó, là do Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Sở KH&CN chủ động nghiên cứu, chọn lọc đưa vào khảo nghiệm các loại giống cây, con mới cho năng suất cao và phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương; ứng dụng các biện pháp canh tác tiên tiến, các loại phân bón, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng... đã làm cho năng suất, chất lượng của cây trồng, vật nuôi tăng lên, nhất là người dân được nâng cao nhận thức về ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nên đã làm thay đổi cơ bản phương thức, hiệu quả nền sản xuất nông nghiệp và cải thiện bộ mặt nông thôn toàn Tỉnh.
Tuy nhiên, Điện Biên là một tỉnh miền núi, biên giới có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới trình độ dân trí không đồng đều, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Kinh tế - xã hội chậm phát triển, hệ thống hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ; đời sống của một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, tập quán canh tác lạc hậu, tỷ lệ nghèo đa chiều cao năm 2016 là 44,94%. Hiện nay, tỉnh Điện Biên còn 101 xã với 1.146/1.813 thôn, bản đặc biệt khó khăn (Theo quyết định số 582 ngày 28-04-2017 của Thủ tướng Chính phủ). Có thể thấy, Điện Biên còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong các hoạt động thông tin tuyên truyền về KH&CN, về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KH&CN vào đời sống và sản xuất cho đồng bào các dân tộc.
Việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào đời sống, sản xuất còn gặp những khó khăn như: Đầu tư cho phát triển KH&CN (đặc biệt là trong nghiên cứu, triển khai) còn thiếu và không đồng bộ. Kinh phí sự nghiệp khoa học không đủ đáp ứng cho việc triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế. Cơ chế quản lý tài chính trong hoạt động KH&CN có đổi mới nhưng chưa tạo thuận lợi cho các nhà khoa học, chưa huy động được nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước. Thiếu cơ chế, chính sách hữu hiệu để gắn kết giữa KH&CN với sản xuất - kinh doanh và khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN. Việc ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ vào sản xuất gặp nhiều khó khăn, do thiếu sự gắn kết hữu cơ giữa 4 nhà: Nhà nước-Nhà khoa học-Nhà nông-Nhà doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn An, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Điện Biên cho biết: "Vựợt lên những khó khăn, thách thức ấy, phát huy những kết quả đạt được, ngành KH&CN Điện Biên đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào đời sống và sản xuất. Hoạt động ứng dụng KH&CN trong thời gian qua, đã bám sát các yêu cầu thực tiễn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội của Tỉnh. Nhiều thành tựu khoa học, công nghệ mới và kết quả nghiên cứu của địa phương đã được áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp. Việc nâng cao nhận thức cho các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh về ứng dụng tiến bộ KH&CN đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các cơ quan, đơn vị và sở KH&CN đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện".
Cán bộ Sở KH&CN Điện Biên kiểm tra tiến độ và chất lượng mô hình trồng rau sạch tại bản Pú Tỉu, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên (Ảnh:Nguồn KH&CN). |
Thời gian tới, để đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN vào đời sống, sản xuất Sở KH&CN Điện Biên sẽ tập trung đề ra những giải pháp, thực hiện đồng bộ các nội dung như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền ứng dụng tiến bộ KH&CN vào đời sống, sản xuất, về vai trò nền tảng, động lực, giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của KH&CN. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy, sự điều hành của chính quyền và tham gia của toàn xã hội về phát triển KH&CN.
Nghiên cứu xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển KH&CN gắn với các ngành sản xuất quan trọng của tỉnh. Xác định nhiệm vụ KH&CN phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó tập trung ưu tiên các nhiệm vụ KH&CN có tính khả thi cao, có khả năng ứng dụng, nhân rộng thành công, đặc biệt ứng dụng công nghệ cao vào phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của địa phương, hoặc tạo ra ngành nghề, lĩnh vực mới.
Quan tâm đầu tư tăng cường tiềm lực và phát triển có chọn lọc các tổ chức KH&CN của tỉnh, nâng cao tính tự chủ của các cơ quan tham gia nghiên cứu khoa học của tỉnh, khuyến khích doanh nghiệp thành lập doanh nghiệp KH&CN; tạo môi trường thuận lợi cho việc gắn kết nghiên cứu khoa học với sản xuất kinh doanh, giáo dục và đào tạo.
Tiếp tục đổi mới đồng bộ cơ chế quản lý và chính sách phát triển KH&CN; đổi mới cơ chế tài chính trên nguyên tắc đảm bảo đạt ít nhất 2% tổng chi ngân sách Nhà nước của tỉnh và đảm bảo tốc độ tăng chi ngân sách cho KH&CN năm sau cao hơn năm trước. Cải cách thủ tục hành chính và tạo cơ chế thông thoáng để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với nguồn vốn KH&CN nhằm chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ. Thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án nâng cao năng suất chất lượng tại địa phương giai đoạn 2016-2020 thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.
Chú trọng khai thác kết quả nghiên cứu, của các nước phát triển để áp dụng vào địa phương đối với một số lĩnh vực, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế về KH&CN. Đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, các viện nghiên cứu hàng đầu ở trong nước và khu vực để ứng dụng KH&CN vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên trong thời gian tới./.
Khánh Toàn