Chú trọng tăng cường công tác truyền thông phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở
Điện Biên TV - Sau 1 năm, triển khai thực hiện Quyết định số 2478/QĐ-TTg ngày 30-12-2015 của Thủ tướng Chính phủ về công tác truyền thông trong phát triển Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐSVH) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có nhiều giải pháp, hình thức tuyên truyền phong phú, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, của các tầng lớp nhân dân về nội dung, ý nghĩa thiết thực của phong trào, tạo sự chuyển biến rõ nét trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Đồng chí Nguyễn Đăng Quang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra việc triển khai thực phong trào TDĐKXDĐSVH tại huyện Nậm Pồ |
Là một tỉnh miền núi, biên giới với 10 đơn vị hành chính cấp huyện; 130 xã, phường, thị trấn (trong đó có 29 xã biên giới, 101 xã đặc biệt khó khăn); 1.813 thôn, bản, tổ dân phố; có 19 dân tộc sinh sống với gần 55 vạn dân, trong đó có trên 80% dân tộc thiểu số, ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới; trình độ dân trí không đồng đều, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Bên cạnh đó, kinh tế - xã hội chậm phát triển, hệ thống hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ; đời sống của một bộ phận nhân dân các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, tập quán canh tác lạc hậu, tỷ lệ nghèo đa chiều cao chiếm 44,94%. Có thể thấy, Điện Biên còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, trong đó có công tác truyền thông về phát triển Phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh.
Song, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân các dân tộc, sau 1 năm triển khai thực hiện Quyết định số 2478/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác truyền thông phát triển Phong trào TDĐKXDĐSVH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, nhiều giải pháp truyền thông về phong trào đã được tăng cường, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng góp phần củng cố, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, của các tầng lớp nhân dân về nội dung, ý nghĩa thiết thực của phong trào. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa trong gia đình, trên mỗi cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh. Năm 2016, toàn tỉnh đã có 69.055/119.614 gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 57,7%); 963/1.813 thôn, bản, tổ dân văn hóa (đạt tỷ lệ 53%); 1.129/1.303 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (đạt tỷ lệ 86,6%); 4/116 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới (đạt tỷ lệ 3,4%); 4/14 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (đạt tỷ lệ 28,6%), các danh hiệu văn hóa trong phong trào TDĐKXDĐSVH ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng.
Để thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông về phát triển Phong trào TDĐKXDĐSVH, UBND tỉnh Điện Biên đã giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố trong việc tuyên truyền, truyền thông về phong trào TDĐKXDĐSVH, nhằm nâng cao chất lượng phong trào trên địa bàn tỉnh trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức truyền thông trực tiếp; triển khai có hiệu quả kế hoạch "Thông tin, tuyên truyền về phong trào TDĐKXDĐSVH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030".
Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh đã ban hành Kế hoạch thông tin tuyên truyền đến các địa bàn, trong đó triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của phong trào; tuyên truyền về những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, nhằm tạo sức lan tỏa sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo tỉnh (gồm 30 cơ quan thành viên) đã tích cực triển khai thực hiện nhiều hoạt động thiết thực gắn với chức năng, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị mình phụ trách.
Nổi bật, Ban chỉ đạo đã xây dựng 1 chương trình thông tin lưu động tổng hợp tuyên truyền tại cơ sở về xây dựng đời sống văn hóa và phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức 4 lớp tập huấn nghiệp vụ về phong trào TDĐKXDĐSVH và công tác gia đình tại huyện Mường Chà, Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Tuần Giáo với 232 học viên tham dự. Cung cấp kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH cho Ban chỉ đạo cấp huyện; hỗ trợ tài liệu, báo cáo viên trong việc mở các lớp tập huấn cho xã, phường, thị trấn.
Các cơ quan báo chí, cơ quan có ấn phẩm báo chí; các Đài truyền thanh – truyền hình, Phòng văn hóa và thông tin các huyện, thị xã, thành phố đã tập trung tuyên truyền về phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của mỗi địa phương, đơn vị; Đã phát sóng hơn 100 tin, bài tuyên truyền về xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, tang, lễ hội, phát triển kinh tế giúp nhau làm giàu chính đáng; thực hiện 24 chuyên mục việc tốt quanh ta; 180 tin, bài trên sóng phát thanh, truyền hình và trang thông tin điện tử tổng hợp về gương người tốt, việc tốt. Sản xuất và khai thác hơn 200 tin, bài về phong trào TDĐKXDĐSVH, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" đăng tải trên các ấn phẩm: Báo thời sự, báo cuối tuần, báo dành cho đồng bào các dân tộc vùng cao, Báo Điện Biên Phủ điện tử.
Các xe tuyên truyền lưu động tích cực hướng về cơ sở |
Bên cạnh đó, chọn lọc, đăng tải nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung liên quan tới phong trào TDĐKXDĐSVH trên tạp chí văn nghệ Điện Biên, ưu tiên các tác phẩm viết về dân tộc và miền núi, các bài nghiên cứu giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trong tỉnh, góp phần bảo tồn và phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân các dân tộc. Nhiều Phòng văn hóa và thông tin các huyện, thị xã, thành phố đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức phong phú đa dạng, trong đó trọng tâm là việc tổ chức tập huấn được 13 lớp với 800 học viên; tổ chức 6 đợt kiểm tra tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn, tuyên truyền miệng được 554 buổi; căng treo 428 băng rôn, khẩu hiệu; trên 100 lượt xe thông tin lưu động; tổ chức tuyên truyền lưu động 118 buổi, thu hút hàng nghìn lượt người nghe. Các Đài truyền thanh – truyền hình các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức tốt việc tiếp sóng các chương trình của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Điện Biên, phối hợp với các cơ quan liên quan cùng cấp sản xuất gần 80 tin, bài tuyên truyền về phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn.
Tuy nhiên, là tỉnh có địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao, trình độ dân trí không đồng đều, tình hình di dịch cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật và các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện thông tin, tuyên truyền về phong trào TDĐKXDĐSVH. Hơn nữa, nguồn kinh phí cấp cho việc thực hiện đề án ở tỉnh và hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đều không có, chủ yếu là lồng ghép vào các hoạt động chuyên môn của các ngành, đơn vị nên kết quả đạt được chưa cao, các hoạt động tuyên truyền chưa được thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, nhận thức của cấp ủy, chính quyền ở một số nơi còn hạn chế, cùng với đó là chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ làm công tác phong trào ở cơ sở còn yếu nên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông về phong trào.
Ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu cho Ban chỉ đạo tỉnh về các giải pháp, nhằm đẩy mạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động thông tin, tuyên truyền về phong trào của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo phong trào các cấp và bộ phận thường trực giúp việc, nhằm làm tốt công tác tham mưu, phối hợp thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền. Bên cạnh đó là mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về phong trào TDĐKXDĐSVH cho cán bộ cấp cơ sở; cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn do Trung ương tổ chức; Đảm bảo các hoạt động thông tin, tuyên truyền được diễn ra thường xuyên, liên tục."
Với sự chỉ đạo đúng hướng, nhiều giải pháp tích cực của Ban chỉ đạo tỉnh, sự vào cuộc nỗ lực tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc, công tác truyền thông về phát triển Phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2020 là: hàng năm có 70% hộ gia đình; 55% thôn, bản, tổ dân phố; trên 90% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hoá; 100% số huyện có nhà văn hóa - thể thao; 60% số xã có nhà văn hóa; 25% số thôn, bản, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng./.
Khánh Toàn