Sắc màu Ha Ni Gia
Điện Biên TV - Đồng bào Hà Nhì sống trên khu vực bốn xã biên giới huyện Mường Nhé đã khá lâu đời. Họ còn giữ nhiều nét văn hóa độc đáo như: Trang phục cổ truyền, các bài ca, điệu múa dân gian, các nghi lễ tín ngưỡng dân gian. Hãy cùng chúng tôi đến với bản làng người Hà Nhì ở xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé khám phá những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Hà Nhì nơi đây.
Đồng bào dân tộc Hà Nhì định cư tại các xã Chung Chải, Leng Su Sìn, Sín Thầu và Sen Thượng của huyện Mường Nhé đã khá lâu đời. Họ thuộc nhóm Hà Nhì Lạ Mí, tên tự gọi là Ha Ni Gia, để phân biệt với hai nhóm Hà Nhì Cồ Chồ và Hà Nhì đen sống tại tỉnh Lai Châu và tỉnh Lào Cai. Tại Sín Thầu, nơi có cột mốc số 0 thiêng liêng địa đầu cực Tây Tổ quốc, đồng bào Hà Nhì chiếm gần 100% dân số. Những nét văn hóa truyền thống được họ gìn giữ lâu đời, đã trở thành màu sắc văn hóa đặc trưng nơi miền đất biên viễn xa xôi này. Trong những nét văn hóa đặc trưng ấy, trang phục cổ truyền là di sản văn hóa phi vật thể nổi bật, dễ nhận thấy nhất của người dân tộc Hà Nhì.
Trang phục truyền thống dân tộc Hà Nhì đặc trưng ở cả màu sắc và kiểu dáng, được thể hiện rõ trên trang phục của chị em phụ nữ. Nếu như trang phục nam giới Hà Nhì rất đơn giản, gồm áo dài tay xẻ ngực, cổ cao, chiều dài áo đến nửa đùi, cùng quần chân què nhuộm chàm, thì trang phục nữ giới lại khá cầu kì. Đó là chiếc áo dài 5 thân cài cúc bên nách phải, có màu sắc chủ đạo là màu đen. Phần cổ áo, nẹp ngực được trang trí bởi những miếng vải khác màu, điểm một hàng chỉ thêu. Ống tay áo được can vải nhiều màu sặc sỡ, vạt áo cũng được viền bằng vải màu đỏ xen với các chấm xanh nhỏ, để tạo sự tương phản. Chiếc áo dài đơn giản vốn là trang phục mặc thường ngày của chị em.
Ngoài áo dài đen, họ cũng thường mặc áo dài màu xanh lam khi đi làm nương, làm ruộng. Vào các dịp lễ, Tết, hội hè hay khi có sự kiện trang trọng, chị em phụ nữ dân tộc Hà Nhì thường mặc áo dài đen bên trong, còn bên ngoài là chiếc áo ngắn không tay, có hoa văn được thêu chỉ màu, kết hạt cườm và những đồng xu rất cầu kì. Chiếc áo kiểu ghi-lê này cùng với chiếc khăn đội đầu độc đáo, khiến cho chị em phụ nữ Hà Nhì trở nên rực rỡ, nổi bật.
Những người phụ nữ Hà Nhì nơi cực Tây Tổ quốc cùng may những bộ trang phục truyền thống của dân tộc. |
Chị Lỳ Mỷ Ly cùng các bà, các chị ở bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu đang cùng nhau cắt, may trang phục truyền thống dân tộc. Để may cắt được một bộ trang phục truyền thống, họ phải mất khá nhiều công sức và cả kinh tế. Nếu chiếc áo dài mặc bên trong được cắt may bằng vải, khá đơn giản, thì chiếc áo ngắn khoác bên ngoài lại cần rất nhiều chi tiết. Thường thì các chi tiết được họ tạo bằng hạt cườm, hạt nhôm. Chị em nào khá giả sẽ đính lên áo những đồng bạc, hạt bạc. Vì vậy một bộ quần áo, khăn vấn theo truyền thống của phụ nữ Hà Nhì có giá không nhỏ.
Chiếc áo ngắn của phụ nữ Hà Nhì được may, cắt và trang trí hoa rất tỉ mỉ. Phụ nữ trẻ thường mặc áo có tông màu đỏ nổi bật. Người già lại thường mặc áo pha sắc màu xanh lam. Cổ áo viền cầu kì bằng vải đỏ, trên nền đỏ ấy, họ thêu hoa văn hình răng cưa hoặc hình núi đồi màu trắng. Phía trước ngực sẽ được đính những hàng “cứ khọ”. Đây là những hạt nhôm lồi, được chắp bắt đầu từ cổ áo theo viền nẹp xuống gấu áo.
Trang phục của chị em phụ Hà Nhì không thể thiếu chiếc khăn đội đầu rất sặc sỡ. được trang trí bởi nhiều cúc bạc, hạt cườm và những tua rua bằng các loại chỉ màu sặc sỡ. Theo tín ngưỡng dân gian Hà Nhì, hồn chính trú ngụ trên đầu, vì vậy ngay từ khi thức dậy chị em phụ nữ luôn phải đội khăn, đặc biệt là trước bàn thờ tổ tiên. Khăn đội đầu của họ là một miếng vải hình vuông, một mặt màu đen, một mặt có ba miếng vải 4cm màu xanh, đỏ, vàng kế tiếp nhau, viền quanh miếng vải màu đen. Bốn góc khăn đính 4 tua, mỗi tua khăn là một dây hạt cườm dài 17-20cm chia làm hai đoạn. Mỗi nét hoa văn họ tạo nên trên trang phục đều là hình ảnh thân thương về núi rừng quê hương.
Hiện nay bộ nữ phục truyền thống vẫn được các thế hệ phụ nữ người Hà Nhì có độ tuổi từ 40 tuổi trở lên mặc thường ngày. Thế hệ phụ nữ dưới 40 tuổi và lớp trẻ thường chỉ mặc trang phục truyền thống vào ngày lễ, Tết hoặc vào các dịp có sự kiện lớn của cộng đồng. Dù ở rất xa các khu vực đô thị, nhưng ngày nay nhịp sống nơi các bản làng người Hà Nhì ở xã Sín Thầu cũng đã dần thay đổi. Lớp trẻ được học hành dần vươn xa, thoát ly khỏi bản làng. Nhiều người trẻ không còn biết may trang phục truyền thống dân tộc Hà Nhì nữa. Vì vậy trang phục truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng Hà Nhì cũng sẽ có nguy cơ mai một. Chính quyền địa phương cũng rất quan tâm đến vấn đề bảo tồn nét di sản văn hóa phi vật thể này.
Để khuyến khích, hỗ trợ đồng bào Hà Nhì bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể này, phòng Văn hóa - thông tin huyện Mường Nhé đã tổ chức Lớp Truyền dạy trang phục truyền thống dân tộc Hà Nhì. Lớp học được tổ chức trong thời gian 2 tháng. Những người già trong bản sẽ là người truyền dạy nghề may trang phục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đây cũng là hoạt động giúp đồng bào Hà Nhì hiểu hơn giá trị của bộ trang phục cổ truyền, để từ đó họ có ý thức gìn giữ tốt hơn một loại hình di sản văn hóa có nguy cơ mai một.
Trong quá trình sinh cư lạc nghiệp, xây dựng và phát triển trên dải đất cực Tây tổ quốc, cộng đồng dân tộc Hà Nhì đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo. Họ không chỉ có trang phục truyền thống, mà còn có các di sản văn hóa phi vật thể giàu giá trị khác, là tài sản vô giá, tạo động lực thúc đẩy bản làng người Hà Nhì hôm nay ngày một phát triển./.
Minh Giang – Dương Hải/DIENBIENTV.VN