Nữ nghệ nhân hát Khắp của đồng bào Thái
Với mong muốn những điệu Khắp không bị mai một, bà Điêu Thị Siêng đã tập hợp các cháu thiếu nhi lại để truyền dạy.
Mường Lò là cánh đồng lớn thứ hai miền Tây Bắc của tỉnh Yên Bái, được coi là cái nôi của người Thái đen. Cùng với thời gian, những nét văn hóa đặc sắc của người Thái cứ mai một dần. Nhưng vài năm lại đây, những nét văn hóa này đã được khôi phục và phát huy. Các nghệ nhân đang gắng sức cùng chính quyền thực hiện nhiệm vụ lưu giữ ấy. Một trong số những nghệ nhân ấy là bà Điêu Thị Siêng ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.
Tuổi thơ của bà lớn lên cùng với tiếng khèn, tiếng pí, trong vòng xòe nồng say và những câu Khắp thiết tha. 5 tuổi bà Siêng đã biết Khắp, 8 tuổi đã đi biểu diễn và đến 15 tuổi thì rất nhiều người biết đến. Hội diễn nghệ thuật các dân tộc thiểu số toàn quốc, hay các hội diễn địa phương, giọng Khắp của bà đều được trao huy chương vàng.
Bà Siêng dạy các cháu thiếu nhi từng động tác xòe. |
Giờ đây, với mong muốn những điệu Khắp không bị mai một, bà Siêng đã tập hợp các cháu thiếu nhi lại để truyền dạy. Bà hướng dẫn tỉ mỉ để các cháu thật thuộc phần lời rồi mới dạy cách lấy hơi, cách thể hiện tình cảm từng câu hát. Bà cũng phân tích những cái hay, cái đẹp của những điệu Khắp quê hương mình để các cháu, các con có ý thức gìn giữ.
Bà Điêu Thị Siêng tâm sự: "Bây giờ các cháu trẻ ít quan tâm đến văn hóa dân tộc mình. Cũng bởi các cháu ít được tiếp cận, ít được thấy. Điều này khiến tôi thấy mình phải thật cố gắng để giữ gìn và lưu truyền văn hóa dân tộc ra cộng đồng mình”.
Bên cạnh dạy các điệu Khắp và các nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Thái, hiện nay bà Điêu Thị Siêng còn dạy các cháu nhỏ học 6 điệu xòe cổ, cũng như các điệu xòe mới.
Bà Siêng dạy các cháu từng câu Khắp. |
Cái dễ khi học xòe là ai cũng có thể nắm bắt động tác, nhưng có cái rất khó là làm sao diễn tả đúng, diễn tả được cái hồn của những điệu xòe. Biết vậy nên bà Siêng đã cố gắng dạy các cháu ở lứa tuổi còn rất trẻ để các cháu có thời gian thấm dần những điệu xòe.
Đối với những điệu xòe cổ như: Xé vóng, Khắm khăn mơi lảu, Phá xí, Đổn hôn, Nhôm khăn, Ỏm lọm tốp mư, bà Siêng phải truyền đạt cho các cháu thật hiểu nội dung, ý nghĩa của từng điệu rồi mới chỉ dạy, uốn nắn từng động tác nhỏ nhất. Đến nay, ở xã Nghĩa An, nơi bà Siêng sinh sống có hàng chục cháu thiếu nhi biết xòe hay và xòe đúng các điệu, các thiếu nữ Thái thì ai cũng biết xòe.
Cháu Lường Thị Hằng, bản Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Ban đầu học cũng thấy khó lắm nhưng được bà Siêng dạy từng tí nên cháu cũng dần nắm bắt được. Trước đây thì ít bạn học thôi, bây giờ thì nhiều bạn đến học. Chúng cháu rất vui vì được học những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình".
Với những đóng góp của mình trong việc bảo tồn, phát huy những nét đẹp trong văn hóa dân tộc Thái, bà Điêu Thị Siêng đã được phong tặng Nghệ nhân dân gian nhiều năm nay. Dù luôn bận rộn với việc sưu tầm tài liệu phục vụ việc lưu giữ, truyền dạy, nhưng mỗi độ Xuân về, bà Điêu Thị Siêng vẫn cất vang tiếng Khắp với bao mong ước về sự ấm no và hạnh phúc cho mọi người./.
Theo VOV