Hàng nghìn tỷ đồng cháy theo vàng mã mỗi dịp Vu Lan
Nhiều người bỏ ra tiền triệu, thậm chí cả chục triệu đồng để mua vàng mã về đốt với số tiền lãng phí lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Rằm tháng bảy hay còn gọi là Tết Trung Nguyên, ngày lễ Vu lan báo hiếu, xá tội vong nhân. Đây là dịp để các gia đình làm mâm cơm, thắp hương tưởng nhớ đến người đã khuất. Với quan niệm “trần sao âm vậy”, nhiều người bỏ ra tiền triệu, thậm chí cả chục triệu đồng để mua vàng mã về đốt với số tiền lãng phí lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Vào những ngày này, không khó để bắt gặp cảnh người dân đốt vàng mã ngay trước cửa nhà, trong các khu dân cư hoặc vỉa hè... Nhiều gia đình phải mất cả tiếng đồng hồ mới đốt hết đống vàng mã.
Đã có hàng nghìn tỷ đồng được chi phí cho việc mua vàng mã về đốt. |
Bà Đào Kim Dung, ở phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm cho biết, rằm tháng 7 là dịp để báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Vào ngày này, gia đình bà tập trung con cháu chuẩn bị mâm cỗ mặn. Sau khi cúng lễ xong sẽ đốt vàng mã, quần áo, giày dép và những vật dụng được làm bằng giấy dành cho người đã khuất. Năm nay, bà Dung mua hơn chục bộ quần áo cùng nhiều tiền vàng hết khoảng 500.000 đồng.
“Ông bà mất thì phải mua quần áo cho ông bà, các bác, các cô chết cũng phải mua quần áo cho các bác, các cô, bố mẹ mình, bố mẹ chồng mất cũng mua cho họ. Lễ rằm tháng 7 rất long trọng, nhà ai cũng có hoa quả, nén nhang thắp hương, nhớ lại kỷ niệm xưa, tập trung con cháu về để phóng sinh, đốt vàng, đốt tiền”, bà Dung cho hay.
Còn bà Phạm Thu Nga, ở phố Lương Văn Can, quận Hoàn Kiếm cho rằng, tục đốt vàng mã cho người đã khuất tồn tại từ nhiều đời nay. Mặc dù không hiểu lắm về ý nghĩa ngày “xá tội vong nhân” nhưng cứ theo tục lệ, bà Nga mua thật nhiều vàng mã với tâm niệm để “người âm” được đủ đầy cả năm. Thành tâm báo hiếu với người đã khuất được bà Nga thể hiện bằng đống đồ mã chất đầy góc nhà.
“Tôi nghĩ rằng trong những ngày này thì tưởng nhớ đến bố mẹ, ông bà, thắp hương cho các cụ, mua cho các cụ bộ quần áo. Tùy theo trong gia đình có bao nhiêu người đã khuất thì mình mua bấy nhiều bộ để biếu các cụ, cho các cụ đi chơi. Chỉ có thành tâm, nhớ đến bố mẹ thì mình làm”, bà Nga cho biết.
Với quan niệm “trần sao âm vậy”, nhiều gia đình đang “bỏ tiền thật, mua tiền giả”, sẵn sàng chi ra vài triệu đồng để mua đồ mã với nhiều loại khác nhau. Nếu trước kia hàng mã chỉ có quần áo, mũ, hài, đồ trang sức, tiền giấy, thì nay, hàng mã có cả đồ gia dụng, điện thoại thông minh, ô tô, xe máy, máy bay, thậm chí có cả người giúp việc...bằng giấy. Giá các loại đồ mã cũng tùy theo từng mặt hàng mà có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Và mỗi dịp Vu Lan, trên cả nước có hàng nghìn tỷ đồng được chi phí cho việc mua vàng mã về đốt.
Theo chị Nguyễn Thu Hương, ở Gia Lâm, Hà Nội, với số tiền này có thể làm được nhiều việc ý nghĩa như giúp trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, phát tâm công đức, làm từ thiện, chắc chắn sẽ thiết thực hơn rất nhiều.
“Quan điểm của tôi là nên thành tâm làm mâm cơm chay, hoa quả vào những ngày phổ độ gia tiên. Có thể ra chùa hồi hướng các chân linh, không nên có quan niệm đốt vàng mã. Nên sống tốt với ông bà, cha mẹ, anh em khi còn sống. Khi họ khuất rồi thì nên làm từ thiện, phóng sinh, giúp được gì cho người nghèo, người khổ thì giúp. Như thế là đã báo hiếu ông bà, cha mẹ, không nhất thiết cần phải đốt vàng mã”, chị Hương chia sẻ.
Do không hiểu rõ về ý nghĩa của lễ Vu lan và giáo lý đạo Phật, không ít người vẫn quan niệm và giữ tục đốt vàng mã vào rằm tháng Bảy và cho đó là việc làm để tỏ lòng thành kính với ông bà, cha mẹ, tổ tiên.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, ngày lễ Vu lan nhắc nhở mỗi người nên ghi nhớ công ơn dưỡng dục, sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Bên cạnh đó, ngày lễ Vu lan giúp chúng ta tiếp cận ý nghĩa giáo dục đầy nhân bản của triết lý Phật giáo, đó là "Từ, bi, hỉ, xả," , "Uống nước nhớ nguồn"... Con người muốn báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên thì phải phát tâm từ thiện, có lòng vị tha, biết chăm lo những người xung quanh. Tục đốt vàng mã quá nhiều trong ngày rằm tháng Bảy cũng làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của Lễ Vu lan.
“Chúng ta phải hiểu đúng ý nghĩa của ngày lễ báo hiếu Vu Lan rằm tháng 7 và thể hiện bằng tâm thức, sự tưởng nhớ của mình chứ không phải hành động vô tâm như mua những bộ đồ mã, mua nhiều và coi đó là sự bày tỏ tình cảm với người đã khuất. Chúng ta không nên lãng phí vào việc đốt quá nhiều vàng mã, tập tục này đang được hiểu không đúng, từ một nét văn hóa rất đẹp bị xã hội nhìn nhận như sự mê tín”, Thượng tọa Thích Đức Thiện bày tỏ.
Lễ Vu Lan là lễ báo hiếu cha mẹ và tổ tiên diễn ra vào ngày rằm tháng 7 (âm lịch), là nét đẹp văn hóa cổ truyền đậm chất nhân văn. Nếu chi phí ngày một tăng vào việc đốt vàng mã theo kiểu “phú quý sinh lễ nghĩa” không chỉ làm mất ý nghĩa ngày lễ, gây ô nhiễm môi trường mà còn có nguy cơ cháy nổ, gây tai họa khôn lường./.
Theo VOV