Sản xuất theo hướng công nghệ cao - Xu hướng của nông nghiệp trong giai đoạn hội nhập

Thứ Ba, 09/05/2023, 10:58 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nông nghiệp theo hướng áp dụng ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao là “hành trang” để nông dân tiến tới nền nông nghiệp bền vững, ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là trong điều kiện sản xuất nông nghiệp cũng như sinh kế của người dân đang chịu tác động tiêu cực từ môi trường, thiên tai, dịch bệnh… Tại tỉnh Điện Biên, những năm gần đây, ngày càng nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao được người dân áp dụng và mang lại hiệu quả, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo tiền đề cho việc phát triển nền nông nghiệp 4.0 và hội nhập.

Công nghệ nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào trong lĩnh vực trồng trọt đã được ứng dụng và đang đem lại kết quả khả quan tại tỉnh. Ðiển hình là hộ kinh doanh Đào Huy Hùng trú tại phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ với việc nuôi cấy và sản xuất thành công nấm đông trùng hạ thảo.

Từ tháng 6/2022, cơ sở này đã đầu tư xây dựng các phòng cấy nuôi tối, phòng nuôi sáng và các thiết bị như: Tủ cấy vi sinh, máy lắc giống, máy sấy thăng hoa… Nấm được nuôi dưỡng ở nhiệt độ khoảng 200C, độ ẩm 80% trên các nguyên liệu như nhộng tằm, gạo lứt... Cả quá trình từ lúc chuẩn bị nguyên liệu đến cấy giống, nuôi nấm và sấy thành phẩm sẽ kéo dài hơn 3 tháng.  

1
Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo dạng sấy khô của cơ sở Huy Hùng được công nhận OCOP 3 sao.

Tháng 1/2023, sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo dạng sấy khô của cơ sở đã được công nhận đạt 3 sao trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đang dần chinh phục thị trường.

Đối với gia đình ông Nguyễn Thế Mạnh, thôn 10, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên, hơn 1,2 ha trồng nhiều loại cây ăn quả như: Mít thái, ổi, bưởi da xanh, vải...  đang được sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm tự động. Theo đó, hệ thống đường ống nước được lắp đặt cố định dưới mặt đất, chỉ cần mở khóa tại đầu bể là nước sẽ chảy đều đến từng gốc cây.

Với chi phí lắp đặt khoảng 35 triệu đồng, sử dụng hệ thống tưới nước tự động này, ông chỉ mất khoảng 1 tiếng là vườn cây có đủ nước để sinh trưởng và phát triển, giúp giảm công lao động và mang tính bền vững lâu dài.

Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều mô hình ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao được các hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân đầu tư trong sản xuất nông nghiệp, như: Gần 5ha rau an toàn trong nhà lưới với sản lượng 84 tấn/năm; trên 1.500ha lúa, rau màu, cây ăn quả và cây công nghiệp ứng dụng các quy trình sản xuất có chứng nhận VietGAP, hữu cơ...; xây dựng mô hình tưới tiết kiệm cho một số cây trồng với tổng diện tích trên 750ha.

1
Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cho thấy nhiều ưu việt so với canh tác thông thường.

Bên cạnh đó là các mô hình sản xuất, nuôi trồng và chế biến nấm, nuôi tảo xoắn, trồng bí xanh trái vụ... Không chỉ đẩy mạnh phát triển, nhiều mô hình cũng tăng cường hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật để người dân dễ ứng dụng trong sản xuất.

Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp có ưu điểm lớn là tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, cho năng suất cao, thân thiện với môi trường; đồng thời, giúp nông dân chủ động được kế hoạch sản xuất cũng như khắc phục được tính mùa vụ và cho lợi nhuận cao hơn.

Vì thế, tuy số lượng, quy mô còn hạn chế nhưng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang trở thành hướng đi đầy triển vọng của tỉnh. Đây chính là tiền đề quan trọng để các địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa và đặc biệt là đưa nông sản chất lượng của tỉnh vươn xa tới các thị trường ngoài tỉnh./.   

 

 

Phương Dung - Đức Bình/DIENBIENTV.VN   
               

.