Nan giải các dự án trồng mắc ca
Điện Biên TV - Với mục tiêu trở thành tỉnh trọng điểm trồng cây mắc ca trong khu vực Tây Bắc, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã chủ động kêu gọi các nhà đầu tư, đầu tư dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh. Đến nay tỉnh Điện Biên đã chấp thuận chủ trương cho 13 dự án trồng cây mắc ca với quy mô hơn 85 nghìn ha, tổng vốn đầu tư hơn 15.550 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai thực hiện các dự án mắc ca trên địa bàn tỉnh còn khá nan giải bởi nhiều nguyên nhân và lý do.
Được tỉnh Điện Biên phê duyệt chủ trương trồng 1.200 ha mắc ca tại địa bàn huyện Điện Biên Đông. Theo tiến độ được phê duyệt, đến hết năm 2021 dự án phải trồng xong toàn bộ diện tích, tuy nhiên đến nay, Công ty cổ phần HD Kinh Bắc mới đo đạc, quy chủ được 630 ha, tổng diện tích mắc ca đã trồng là 450 ha, đạt hơn 37% so với quy mô phê duyệt của dự án. Theo lãnh đạo Công ty cổ phần HD Kinh Bắc đơn vị thực hiện dự án, trong quá trình triển khai dự án công ty gặp rất nhiều khó khăn.
“Hiện tại, chúng tôi đang gặp phải những khó khăn nhất định. Thứ nhất, về diện tích đất có thể triển khai trồng mắc ca rất lẻ tẻ, không khả thi để triển khai dự án. Thứ hai, bộ phận người dân đồng thuận chưa nhiều, đất chỗ này một miếng, chỗ kia một miếng, dẫn đến các doanh nghiệp triển khai thi công gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, rất cần các ngành, các cơ sở chung tay với nhà đầu tư để công tác phối hợp với nhau tuyên truyền vận động người dân làm sao có vùng đất lõm để triển khai thực hiện dự án.” - ông Vũ Văn Dũng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần HD Kinh Bắc, nói.
Tại huyện Nậm Pồ, được tỉnh phê duyệt chủ trương 2 dự án trồng cây mắc ca, với quy mô 15.800 ha. Tuy nhiên quá trình triển khai do các nhà đầu tư chưa thống nhất được với người dân về diện tích nào sẽ cho nhà đầu tư thuê, diện tích nào sẽ thực hiện liên kết và do nhiều nguyên nhân khác, nên đến nay dự án trồng mắc ca trên địa bàn huyện vẫn chưa triển khai trồng được một ha cây mắc ca nào.
Tỉnh Điện Biênchấp thuận chủ trương cho 13 dự án trồng cây mắc ca với quy mô hơn 85 nghìn ha, tuy nhiên đến nay toàn tỉnh mới trồng được trên 4.670 ha. |
“Trong quá trình triển khai thực hiện dự án tại địa phương còn gặp nhiều vướng mắc. Đầu tiên, người dân chưa đồng thuận cao, sợ mất đất và họ cũng chưa thực sự tin tưởng vào doanh nghiệp. Vấn đề nữa, thời gian qua, nhà đầu tư cũng chưa thực sự mặn mà, hầu như chủ yếu họ chỉ lấy dự án, giờ họ hầu như không vào huyện để cùng với các phòng ban của huyện, người dân cùng tháo gỡ khó khăn.” - ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, cho hay.
Để triển khai có hiệu quả các dự án trồng mắc ca, trên cơ sở đánh giá tiềm năng đất đai, tỉnh Điện Biên đã xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển cây mắc ca theo mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân.
Đến nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 13 dự án trồng mắc ca, với quy mô hơn 85 nghìn ha, tổng số vốn đầu tư hơn 15.550 tỷ đồng. Các dự án được chấp thuận đầu tư theo mô hình hỗn hợp, một phần diện tích 50-60% do nhà đầu tư trực tiếp trồng chăm sóc, một phần diện tích 40-50% thực hiện theo hình thức liên kết với người dân có sự hỗ trợ của nhà nước thông qua các hợp tác xã. Đây là mô hình đảm bảo hài hòa về mặt lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng có những chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư để trồng cây mắc ca theo quy định của pháp luật. “Hiện nay, tỉnh có nhiều chính sách, trong đó có chính sách phát triển cây mắc ca. Cơ bản nhất là kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư, việc hỗ trợ thì hỗ trợ theo mô hình theo chính sách của tỉnh là phát triển theo chuỗi.” - ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, thông tin.
Quá trình triển khai các dự án trồng mắc ca gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc cả ở phía doanh nghiệp và người dân, khiến tiến độ trồng cây mắc ca rất chậm so với kế hoạch. |
Mặc dù các dự án trồng mắc ca đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt, tuy nhiên hiện nay, theo đánh giá các dự án trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh rất chậm tiến độ. Nguyên nhân là do hầu hết các nhà đầu tư chưa tích cực, chủ động trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục phê duyệt dự án, đặc biệt là các thủ tục về đất đai. Một số hộ dân chưa ủng hộ, tham gia thực hiện dự án trồng mắc ca; mặt khác trong quá trình thực hiện, công tác đo đạc, quy chủ đất đai vùng dự án mất nhiều thời gian, một số nơi người dân chưa đồng thuận, nên chưa phối hợp đo đạc, quy chủ; việc phối hợp giữa nhà đầu tư và chính quyền chưa thực sự hiệu quả..
Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh mới trồng được trên 4.670 ha, tập trung tại các huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Nhé, Mường Ảng và Điện Biên Đông... Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trồng mắc ca, ngoài việc quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, các huyện, thành phố có dự án trồng mắc ca và các nhà đầu tư cần phối hợp tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nỗ lực triển khai dự án, sớm đưa cây mắc ca trở thành loại cây công nghiệp thế mạnh của Điện Biên, không chỉ xóa đói giảm nghèo mà con làm giàu cho người dân vùng nông thôn./.
Minh Thư - Duy Hải/DIENBIENTV.VN