Hội thảo Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050

Thứ Tư, 26/10/2022, 02:24 [GMT+7]

Điện Biên TV - Ngày 25/10, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự hội nghị có đồng chí Lò Mai Trinh, nguyên Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Lò Văn Phương, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; các chuyên gia và nhà khoa học.

F
Đại biểu dự Hội thảo.

Theo dự thảo báo cáo tóm tắt Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 do UBND tỉnh trình, dự thảo đồ án quy hoạch gồm 10 nội dung nêu rõ: Phạm vi ranh giới quy hoạch, quan điểm mục tiêu và các đột phá phát triển của tỉnh, phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, kết cấu hạ tầng, phát triển không gian lãnh thổ, bảo vệ môi trường, phương án sử dụng đất đến năm 2030.

Với mong muốn nhận được nhiều ý kiến tham gia của các đồng chí nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đại diện cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài tỉnh thuộc nhiều lĩnh vực quy hoạch, kinh tế, xã hội, tự nhiên, du lịch đóng góp xây dựng phương hướng, giải pháp phát triển tỉnh đồng bộ, bền vững, đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kỳ vọng qua nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu để tỉnh Điện Biên tiếp tục hoàn thiện được bản Quy hoạch tỉnh hoàn chỉnh có tầm nhìn dài hạn, các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển toàn diện, nhằm xây dựng Điện Biên phát triển nhanh và bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường.

Quy hoạch phát triển tỉnh được xây dựng bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; phù hợp với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; quy hoạch tổng thể Quốc gia; quy hoạch ngành Quốc gia; quy hoạch vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Đến năm 2025, tỉnh phát triển năng động, sáng tạo, nhanh và bền vững. Đến năm 2030, Điện Biên trở thành tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; là trung tâm du lịch, dịch vụ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Xây dựng Quy hoạch tỉnh Điện Biên với tầm nhìn đến năm 2050, phát triển toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, môi trường. Là tỉnh phát triển khá của cả nước, là trọng điểm du lịch văn hóa - lịch sử - sinh thái Quốc gia, có đẳng cấp quốc tế; người dân có thu nhập, chất lượng cuộc sống tốt, hạnh phúc; nền văn hóa tiến bộ, giàu bản sắc dân tộc. Bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới và khối đại đoàn kết các dân tộc.

Tham gia ý kiến tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng: Quy hoạch phát triển cần lưu ý giữ lại quy hoạch đất nông nghiệp, đặc biệt là đất ruộng tại cánh đồng Mường Thanh để phát triển thương hiệu gạo Điện Biên; quy hoạch cần lưu ý việc quản lý và sử dụng đất đai. Mặc dù, diện tích đất tự nhiên rất rộng nhưng quỹ đất phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, cần lưu ý đến việc quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, đào tạo lao động tại địa phương; cần phát triển tiềm năng về du lịch, phát huy những giá trị lịch sử. Đặc biệt trong quy hoạch tỉnh cũng cần lưu ý vấn đề môi trường, xử lý chất thải, đầu tư nhà máy xử lý chất thải.

d
Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận Hội thảo.

Đóng góp ý kiến quy hoạch: Về phía chuyên gia, PGS, Tiến sỹ Phạm Trung Lương, Trưởng ban Du lịch và Phát triển bền vững, Viện Môi trường và Phát triển bền vững (VESDI) góp ý: Quy hoạch tỉnh Điện Biên về cấu trúc cơ bản phù hợp với quy định ở Nghị định số 37 của Chính phủ về quy hoạch. Tuy nhiên, có một số vấn đề về đánh giá vị trí địa lý, tài nguyên môi trường mang tính liệt kê, cần tìm được lợi thế so sánh với các địa phương khác trong vùng. Đặc biệt, cần đánh giá điểm nghẽn về thực trạng phát triển kinh tế, xã hội, đây là căn cứ để đưa ra được những giải pháp.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Đến thời điểm hiện tại, dự thảo Quy hoạch tỉnh đã nhận được ý kiến tham gia đóng góp của 12/19 bộ, ngành Trung ương, 10/15 UBND các tỉnh, thành phố trong vùng và địa phương lân cận, cùng nhiều ý kiến của các cá nhân, tổ chức gửi về cơ quan lập quy hoạch tỉnh.

Tại Hội thảo, tỉnh cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu để tiếp tục chỉnh sửa, có được bản Quy hoạch tỉnh hoàn chỉnh có tầm nhìn dài hạn, chiến lược, đảm bảo khả thi trong triển khai thực hiện.

 

 

Đào Phương - Bùi Tiến/DIENBIENTV.VN

 

.