Điện Biên: Tái cơ cấu để nông nghiệp phát triển bền vững và hội nhập
Điện Biên TV - Mục tiêu của ngành Nông nghiệp tỉnh trong thời gian tới là phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Qua đó, tăng cường tạo ra các sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng không những trong tỉnh, trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đang thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh triển khai Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.
So với các lĩnh vực khác của ngành Nông nghiệp, lĩnh vực trồng trọt có kết quả đậm nét hơn cả. Theo đó, từ năm 2017 đến nay, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác các loại cây bản địa có thế mạnh, đưa vào trồng các loại cây mới phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và điều kiện biến đổi khí hậu. Đồng thời, tích cực ứng dụng kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng, đẩy mạnh cơ giới hóa để giảm chi phí, nâng cao thu nhập.
Toàn tỉnh đã chuyển đổi gần 3.000 ha đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả sang các cây trồng khác; trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi sang trồng các loại cây lâu năm như: cây ăn quả, mắc ca, cây dược liệu, rừng sản xuất... Bên cạnh đó là duy trì và phát triển 23 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Qua đó, nhiều sản phẩm nông sản có thế mạnh và sức cạnh tranh cao trên thị trường dần được nâng tầm như: gạo, mắc ca, khoai sọ...
Nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả cho giá trị cao, mang lại thu nhập tốt. |
Chương trình OCOP hiện cũng đang là một trong những giải pháp đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Sau hơn 4 năm triển khai, đến nay, toàn tỉnh đã có 44 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP gồm 2 sản phẩm đạt 4 sao và 42 sản phẩm 3 sao của 28 chủ thể tham gia. Một số sản phẩm đã phát triển với quy mô lớn, từng bước khẳng định giá trị, chất lượng và thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao.
Với mục tiêu tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần đưa sản phẩm tiếp cận được nhiều hơn với các thị trường ngoài tỉnh, các ngành chức năng cũng như các chủ thể có sản phẩm OCOP cũng đang đẩy mạnh nhiều giải pháp.
Canh tác theo hướng GAP, Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Noong Luống, xã Noong Luống, huyện Điện Biên đã xây dựng lộ trình, phát triển sản phẩm và đến tháng 12/2021, UBND tỉnh đã công nhận sản phẩm đỗ leo 4 mùa đạt 3 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Anh Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp Noong Luống, chia sẻ: “Thời gian tới, chúng tôi cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường quảng bá để quả đỗ leo này tăng lên chất lượng 4,5 sao. Đến thời điểm đó thì chúng tôi có hướng xuất khẩu và liên hệ với các công ty để có kênh phân phối xuất khẩu nhằm tăng giá trị và tính ổn định của sản phẩm.”
Sản phẩm đỗ leo 4 mùa của HTX Nông nghiệp tổng hợp Noong Luống được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh vào tháng 12/2021. |
Thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, đến nay, cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đang từng bước chuyển dịch theo đúng hướng, giá trị các sản phẩm chủ lực tăng lên. Năm 2022, dự ước tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP đạt 14 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2021. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản tăng trên 4,5%.
Bên cạnh đó, các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung gắn với thế mạnh, lợi thế của từng địa phương, nhu cầu thị trường được hình thành và phát triển. Tỉnh cũng thu hút, kêu gọi được 26 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh nông, lâm nghiệp và thủy sản; đặc biệt là 13 dự án trồng mắc ca với tổng diện tích trên 85.000 ha. Từ đó, tạo đà nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Phát triển cây mắc ca hiện đang là chủ trương lớn của tỉnh nhằm phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. |
Ông Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho hay: “Một trong những chương trình tỉnh đang thực hiện để phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là phát triển cây mắc ca, cùng với đó là tiếp tục thúc đẩy các dự án chăn nuôi, phát triển cây công nghiệp, dược liệu; đẩy mạnh thu hút đầu tư theo mô hình liên kết với người dân. Để đảm bảo tiến độ các dự án này, tỉnh cần giải quyết dứt điểm vấn đề đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm căn cứ giao đất, cho thuê đất cho các nhà đầu tư. Cũng là cơ sở để người dân tham gia mô hình liên kết theo chuỗi giá trị.”
Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, mang tính chất địa phương mà hiện tại đã được phân phối ở các chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ trong và ngoài tỉnh, nhất là tại các thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh,... Điều này cho thấy nông sản Điện Biên đang tạo được lòng tin với người tiêu dùng về thương hiệu và chất lượng.
Đây sẽ là "chìa khóa” quan trọng giúp Điện Biên từng bước tạo sức bật cho nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh./.
Phương Dung - Đức Bình/DIENBIENTV.VN