Khi rau củ quả an toàn trở thành sản phẩm OCOP
Điện Biên TV - Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, những năm gần đây, sản xuất rau củ quả an toàn được ngành Nông nghiệp, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ người dân. Tại xã Noong Luống, huyện Điện Biên, sản xuất rau củ quả an toàn được xác định là hướng phát triển kinh tế chính và xây dựng trở thành sản phẩm tiêu biểu trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Xã Noong Luống hiện có hơn 40ha rau màu tập trung ở các thôn A1, Đại Thanh... Từ năm 2016, thông qua cầu nối giữa Hội Nông dân xã Noong Luống, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã tập huấn, hướng dẫn người dân trồng rau theo tiêu chuẩn GAP cơ bản. Trong đó, tuân thủ quy trình làm đất, kỹ thuật gieo giống, đặc biệt là thời gian cách ly sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật phải từ 7 ngày trở lên mới được thu hoạch. Nhờ đó, đến nay rau của bà con dần có chỗ đứng trên thị trường với lượng tiêu thụ ổn định.
Tận dụng lợi thế này, cuối năm 2020, Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Noong Luống đã xây dựng lộ trình, phát triển sản phẩm và đến tháng 12/2021, UBND tỉnh đã công nhận sản phẩm đỗ leo 4 mùa đạt 3 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Đỗ leo 4 mùa - sản phẩm OCOP3 sao của Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Noong Luống, huyện Điện Biên. |
Hiện nay, 11ha đỗ leo của Hợp tác xã được trồng theo hướng GAP đảm bảo chất lượng, năng suất trung bình khoảng 200 tấn/vụ. Trở thành sản phẩm OCOP không những tạo điều kiện cho đỗ leo Noong Luống có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường mà quan trọng hơn là góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân trên địa bàn.
Anh Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp Noong Luống, cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường quảng bá để quả đỗ leo này tăng lên chất lượng 4,5 sao. Đến thời điểm đó thì chúng tôi có hướng xuất khẩu và liên hệ với các công ty để có kênh phân phối xuất khẩu nhằm tăng giá trị và tính ổn định của sản phẩm.”
Có thương hiệu cộng với sự nhanh nhạy trong nắm bắt nhu cầu thị trường nên việc tiêu thụ sản phẩm đỗ leo của Hợp tác xã rất thuận lợi, với 10% lượng tiêu thụ là thị trường trong tỉnh và 90% là xuất đi các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên… Đặc biệt là dịp tết nguyên đán, Hợp tác xã cũng xuất bán sang tỉnh Luông Pha Băng, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào khoảng 1 tấn đỗ/vụ.
Thời gian tới, Hợp tác xã sẽ quy hoạch, mở rộng diện tích trồng rau củ quả, chuyển sang áp dụng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ khâu thu hoạch và đóng gói sản phẩm để sản phẩm đến tay người tiêu dùng đảm bảo chất lượng./.
Phương Dung - Đức Bình/DIENBIENTV.VN