Tăng giá trị gạo Điện Biên bằng chỉ dẫn địa lý
Điện Biên TV - Trong những năm qua, việc xây dựng thương hiệu gạo Điện Biên đã và đang là vấn đề quan trọng để từng bước tăng giá trị, góp phần đưa gạo Điện Biên trở thành mặt hàng xuất khẩu tăng thu ngân sách cho tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, việc tăng giá trị gạo Điện Biên bằng chỉ dẫn địa lý vẫn còn muôn vàn khó khăn khi toàn tỉnh mới chỉ có 2 sản phẩm là gạo Bắc thơm số 7 và IR64 được cấp chỉ dẫn địa lý.
Ngoài 2 sản phẩm là gạo Bắc thơm số 7 và IR64 đã được Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 3340 về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, từ năm 2014 đến nay chưa có một tổ chức, cá nhân nào đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý Điện Biên.
Mặc dù UBND tỉnh cũng đã có nhiều quyết định ban hành, công văn thông báo về chỉ dẫn địa lý Điện Biên được bảo hộ. Hiện nay, đối với 2 sản phẩm gạo IR64 và Bắc thơm số 7 đã được cấp chỉ dẫn địa lý chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở mô hình nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Bên cạnh đó, cơ cấu giống lúa đã có nhiều thay đổi, diện tích trồng giống được xác định chỉ dẫn địa lý là Bắc Thơm số 7 và IR64 đã giảm mạnh so với những năm trước do người dân đưa vào sản xuất các giống lúa lai có năng suất cao, chất lượng tốt.
Nông dân khu vực lòng chảo Mường Thanh thu hoạch lúa. |
Theo ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Điện Biên, hiện nay nông dân và người tiêu dùng chủ yếu sử dụng và tiêu thụ giống lúa mới. Vì thế, để đáp ứng nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp cũng tập trung vào sản xuất giống lúa mới. Chất lượng gạo đã có cơ quan chức năng kiểm định, tuy nhiên để đáp ứng theo quy định của Chỉ dẫn địa lý thì chưa tiến hành được vì chưa có doanh nghiệp nào đề xuất đưa giống lúa mới vào chỉ dẫn gạo Điện Biên.
Với lợi thế cánh đồng Mường Thanh rộng hơn 4.000 ha, từ nhiều năm nay, các ngành chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương luôn xác định việc đưa giống lúa chất lượng cao vào sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm gạo chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm gạo Điện Biên.
Đây cũng là sản phẩm được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh ở Điện Biên lựa chọn để phát triển thương hiệu và hình thành một số chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm lúa gạo như: Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Thanh Yên với giống lúa Séng Cù và Hana 112 hay Công ty TNHH giống nông nghiệp Trường Hương với giống lúa Hương Việt 3. Việc xây dựng thương hiệu hướng đến mục tiêu có thể xuất khẩu lúa gạo sang thị trường các tỉnh Bắc Lào và Thái Lan.
Để thương hiệu gạo Điện Biên được biết đến rộng rãi thì việc đăng ký chỉ dẫn địa lý là điều hết sức cần thiết. |
Để xây dựng thương hiệu gạo Điện Biên, tiến tới mục tiêu xuất khẩu một cách ổn định và bền vững trong thời gian tới, Điện Biên đang khuyến khích, hỗ trợ triển khai các chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo mang chỉ dẫn địa lý trên địa bàn hoạt động hiệu quả và bền vững.
Tập trung xây dựng cánh đồng một giống ở vùng lòng chảo Mường Thanh; đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo hướng có sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng phục vụ cho chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tư vấn, hỗ trợ tối đa về thủ tục hành chính giúp các tổ chức, cá nhân đăng ký cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý./.
Hoàng Út - Minh Hòa/DIENBIENTV.VN