Mường Ảng... ước cho mùa cà phê sau không... "đắng"
Điện Biên TV - Đó là ước mơ chính đáng của bao thế hệ người làm vườn cà phê Mường Ảng khi có sự bắt tay vào cuộc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn của cấp ủy đảng, chính quyền đang rốt ráo tìm hướng đi bền vững cho cây cà phê trong thời gian tới. Dự là năm 2016, huyện Mường Ảng sẽ có bước chuyển mình để những mùa cà phê sau không... “đắng”.
Giọt “đắng”... tan trong nỗi niềm người Mường Ảng
Mường Ảng trời xam xám màu chì, gió vọng vào vách núi âm âm. Thị trấn nhỏ buồn thiu, nằm khiêm tốn dưới chân đèo Tằng Quái, nhịp sống ở đây dường như rất chậm. Mấy ngày qua mưa rả rích, vỏ cà phê dầm mình trong cơn ải dậy mùi nhặng đắng. Vườn cà phê nhà ông Nguyễn Ngọc Dương, thị trấn Mường Ảng, cả thảy hơn 3ha năm nay cho thu hoạch ngót 50 tấn quả tươi. Như bao người dân làm vườn Mường Ảng khác, gia đình ông Dương năm nay trúng vụ. Thấy chúng tôi đến, ngừng tay hái quả, ông xởi lởi: Là nhà báo à? Cứ quay phim chụp ảnh xả láng đi, phản ánh đúng thực trạng cây cà phê để tìm lối thoát cho bà con chúng tôi nhé; mấy năm rồi, năm nào cũng thua lỗ. Ngân hàng cho vay thì nhỏ giọt, phải đi vay lãi ngoài. Phân bón, công cán tăng cao, giá cà phê thì lại hạ... biết là thế nhưng bà con vẫn phải đầu tư, không thì biết làm sao bây giờ...
Bỏ dở câu nói ông Dương bước đi để chúng tôi đứng chưng hửng giữa vườn. Một nông dân ngao ngán nói: “…Nếu giá cà phê tăng lên 6, 7 ngàn đồng 1 ký thì tôi mới hòa vốn. Biết đến bao giờ?..."
Chúng tôi đi hút sâu vào chân núi, mặt trời phía Tây hắt lên hình dẻ quạt, tia nắng quái chiều hôm vàng vọt đổ trên nương cà phê chín muộn. Những ngôi nhà người Mông hiện ra sau sau khúc cua tay áo. Chúng tôi nghỉ lại trong nhà anh Lầu A Lử, bản Củ, xã Ảng Nưa, huyện Mường Ảng.
Bên bếp lửa hồng, trên bếp nồi mèn mén dậy mùi thơm nức. Chén rượu suông đón khách nồng cay sóng sánh có thêm nhiều vỡ vụn. Rượu cay, câu chuyện đắng; từ việc góp đất “ăn chia” với Công ty Thái Hòa đổ bể, đến những năm gần đây đất bạc màu, gia đình anh phải mất nhiều công chăm sóc cà phê cũng như tăng tiền đầu tư phân bón... Diện tích đất nương anh đổi cho họ hàng lấy diện tích đất cà phê. Bao tâm huyết anh dồn hết cho loại cây này, nhưng đến giờ gia đình anh vẫn cứ nhọc nhằn lam lũ. Anh yêu đất từ nỗi nhọc nhằn nên cày sâu cuốc bẫm... Chăm sóc cây cà phê, yêu cây cà phê như con, nhưng rồi cà phê chưa cho vợ chồng anh đời sống bớt gian nan. Dừng câu chuyện, A Lử cười như mếu, thốt lên câu trần trụi: Đất ơi! Sao nỡ phụ mình... Rồi A Lử hai tay bưng mặt gục đầu bên bàn nhậu. Chị vợ tưởng chồng đau ở đâu luýnh quýnh chạy lại, vực chồng.
Câu chuyện về cây cà phê và nỗi thăng trầm cuộc đời anh Lử dừng lại khi mặt trăng hao khuyết trôi về bên kia sườn núi. Ngôi nhà nặng trĩu tiếng ai đó thở dài trong đêm thanh vắng nghe buồn lặng, buồn sâu... như tiếng thở than vỡ ra từ một kiếp người...
Người dân Mường Ảng đang thu hái cà phê |
Hẳn A Lử đã cất dấu nỗi niềm riêng chất chứa bên trong vị đắng của cà phê. Dẫu vậy, nhưng A Lử và người trồng cà phê Mường Ảng vẫn thủy chung với loại cây cho dư vị đắng nhiều hơn là dư vị ngọt. Phải chăng cuộc đời của những người dân vùng cao trải qua nhiều bài học cay đắng từ những dự án: cây gừng, cây quế, cây trẩu... nên đã chọn loại cây có vị đắng này để dung hòa cảm xúc? Nhưng dẫu là gì thì có một điều không mơ mà thực, nhiều năm rồi người trồng cà phê Mường Ảng chỉ thu về “trái đắng”. Tôi rất sợ đến một ngày nào đó người ta chợt nhận ra lòng thủy chung không thể nuôi sống nổi gia đình... Rồi họ lại lao đao trên con đường đi tìm cây gì thay thế trên mảnh đất đỏ bazan, nghèo khó.
Ước... mùa cà phê sau không... “đắng”
Tôi mang tâm sự nặng trĩu xuôi về thị trấn nhỏ. Anh bạn tôi đi cùng cắt ngang dòng suy nghĩ: “Nghe nói, huyện này có vị bí thư và chủ tịch mới về nhậm chức hồi đầu tháng 6/2015. Chúng ta đến đó xem sao. Người đứng đầu mà không đưa ra được quyết sách, ý kiến gì hay ho thì người trồng phê sẽ còn khốn khó. Như hiệu ứng dây truyền, tôi rút điện thoại gọi xin phỏng vấn.
Quá Ngọ Bí thư Huyện ủy, Trần Thanh Hà tiếp chúng tôi: “Mường Ảng đợt này trời rét hại, người dân phải thu hái cà phê trong những ngày mưa sụt sùi, tê buốt. Ai ở vào hoàn cảnh này mà không thấy buốt ruột, buốt gan? Mưa thối đất thối cát mà cà phê thì không thể không hái, nhưng hái rồi thì lại không có nắng để phơi. Chính vì thế mà bà con lại mất thêm một khoản chi không nhỏ để thuê lò sấy; mỗi tấn cà phê nhẹ nhàng cũng mất 1 đến 2 triệu đồng tiền công sấy, cộng thêm với tiền thuê hái 2.000 đồng/kg, rồi tiền chăm sóc, phân bón... trừ chi phí cũng mất đi 50% tổng doanh thu.
Ngừng giây lát, đoạn anh tâm sự: Mường Ảng tại thời điểm này chưa có nhà máy nào cam kết thu mua cà phê cho người dân mà chỉ là những xưởng sơ chế cà phê mùa vụ, manh mún. Lẽ đó mà người dân phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Điều này đã đưa người trồng cà phê vào tình huống buộc phải chọn một trong hai phương án được coi là giải pháp tối ưu: hoặc là bán cho tư thương, hoặc là phải bỏ tiền ra thuê lò sấy cà phê chấu. Khi phải đứng trước một trong hai lựa chọn người dân bán cà phê tươi cho tư thương rất dễ bị ép giá, còn việc mang cà phê đi sấy không phải gia đình nào cũng có tiền để thuê sấy nhiều tấn cà phê tươi; chưa kể đến việc bảo quản, kho chứa... Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến người trồng cà phê Mường Ảng nhiều năm qua trượt dài trong thua lỗ.
- Trước thực trạng đó, huyện sẽ phải làm gì? Không lẽ, địa phương đành để cho người dân thua lỗ kéo dài rồi dẫn đến tình trạng phá bỏ vườn cà phê hàng vạn mẫu. Thưa anh? – Chúng tôi hỏi.
- Ồ, không... Vẫn biết giá cà phê phụ thuộc chủ yếu vào thị trường thế giới. Song thời điểm khó khăn này làm được gì cho dân thì cấp ủy, chính quyền sẽ phải cố gắng hết sức... Tới đây, huyện sẽ xin tỉnh chủ trương ban hành chính sách hỗ trợ người dân phân bón, kỹ thuật, giá thu mua, cước vận chuyển trong vài năm đầu. Hướng lâu dài, huyện sẽ phải xin chủ trương xây dựng nhà máy chế biến cà phê tại Mường Ảng; dự kiến sẽ đặt 4 nhà máy xát vỏ cà phê tại các xã có nhiều diện tích cà phê như: Ngối Cáy, Nậm Lịch, Ảng Tở và thị trấn để cải thiện chất lượng cà phê, mặt khác khuyến khích, kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư... và hiện tại đã có 3 doanh nghiệp đề nghị được đầu tư xây dựng nhà máy chế biến ướt và chế biến thành phẩm cho cây phê Mường Ảng; có thể nói bước đầu đây là tín hiệu mừng. - Ông Bí thư đáp:
Cùng với đó, huyện sẽ phải quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu, kèm theo chính sách hỗ trợ cho người dân, nhất là đối với các hộ đang chăm sóc, diện tích cà phê trong thời kỳ kinh doanh. Nếu không có định hướng của Nhà nước thì người dân dẫn rất dễ bị mất phương hướng trong việc sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt đối với bà con người dân tộc miền núi, chưa nhanh nhạy trong việc nắm bắt cơ chế thị trường. Cơ chế, chính sách sẽ là chìa khóa để người trồng cà phê cũng như các doanh nghiệp hướng đến sự phát triển cây cà phê bền vững ở nơi này.
Thời điểm này, huyện Mường Ảng đang tập trung cho việc rà soát lại diện tích cà phê đã trồng. Quy hoạch diện tích vùng cà phê nguyên liệu trong thời gian tới. Để dành quỹ đất để xây dựng nhà máy. Cùng với đó là hàng loạt các chính sách, kế hoạch, lộ trình ngắn hạn, trung hạn, dài hơi đang được tập thể lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện cùng các phòng ban và chính quyền cơ sở bàn bạc, thống nhất... Dự định, sẽ là một hướng đi tốt cho cây cà phê Mường Ảng phát triển trong tương lai.
Thiết nghĩ, mục tiêu nào cũng không nằm ngoài lợi ích chính đáng của người dân. Song để mục tiêu đó thực sự trở thành hiện thực, một sự thực không phải là mơ về sự ấm no và sự phát triển đi lên của cây cà phê Mường Ảng thì hơn bao giờ hết người trồng cà phê Mường Ảng đang rất cần những cán bộ dám nghĩ, dám làm; biết đặt mình vào vị trí người dân. Những người ngồi trên ghế trách nhiệm sẽ phải đồng hành với dân, biết vượt khó thay vì chỉ biết kêu khó. Hy vọng năm sau mùa cà phê nơi này sẽ không còn “đắng”./.
Trần Hương