Bộ GD&ĐT: Xây dựng chuẩn khối lượng kiến thức văn hóa trong trường nghề
Ảnh minh họa. |
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông (THPT) trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo dự thảo Thông tư, mục đích giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT nhằm giúp học sinh có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở theo học trình độ trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được học và hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT sẽ được cấp Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT để sử dụng trong việc theo học trình độ cao hơn của giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.
Theo dự thảo, mỗi ngành, nghề của giáo dục nghề nghiệp, học sinh phải học ít nhất 4 môn học gồm 2 môn bắt buộc và ít nhất 2 môn lựa chọn. Dự kiến, 2 môn học bắt buộc là Toán và Ngữ văn; 5 môn học lựa chọn là: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.
Việc lựa chọn các môn học bảo đảm phù hợp với ngành, nghề đào tạo của giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, việc tổ chức giảng dạy các môn học phải bảo đảm điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định đối với giáo dục trung học phổ thông; bảo đảm chất lượng giáo dục theo yêu cầu cần đạt của môn học quy định tại Thông tư này.
Học sinh có điểm thi kết thúc môn học của tất cả các môn học theo ngành, nghề đào tạo đạt từ 5 điểm trở lên được xác nhận là đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông đối với các môn học được giảng dạy theo ngành, nghề đó.
Đối với cơ sở giáo dục có tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT, người đứng đầu cơ sở giáo dục quyết định các môn học lựa chọn theo quy định; quyết định thời điểm tổ chức giảng dạy và thi kết thúc các môn học phù hợp với điều kiện của cơ sở giáo dục; tổ chức và quản lý việc giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, thi kết thúc môn học và cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Thông tư.
Hoạt động giảng dạy thông qua một số hình thức chủ yếu: Học lí thuyết, làm bài tập, thực hành, thí nghiệm, dự án học tập, trải nghiệm, sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, hoạt động phục vụ cộng đồng. Chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học; dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình. Giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng.
Dự thảo cũng nêu rõ, học sinh theo học sẽ được cấp Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT để sử dụng trong việc theo học trình độ cao hơn của giáo dục nghề nghiệp. Với giấy chứng nhận, học sinh cũng sẽ được bảo lưu khối lượng kiến thức nếu có nguyện vọng hoàn thành Chương trình giáo dục trung học phổ thông.
Link: https://vtv.vn/giao-duc/bo-gddt-xay-dung-chuan-khoi-luong-kien-thuc-van-hoa-trong-truong-nghe-20210520115427229.htm
Theo VTV