Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh lạm thu ở trường học
Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT chấn chỉnh ngay tình trạng “lạm thu” trong các trường học với nhiều khoản thu quá cao, bất hợp lý...
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV sáng 23/10 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018. Trong đó, vấn đề giáo dục và đào tạo đã được Thủ tướng đề cập đến.
Theo đó, việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng đã bảo đảm nghiêm túc, an toàn, thuận lợi, giảm áp lực và chi phí; 100% tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi. Các đoàn học sinh dự thi Olympic quốc tế đạt kết quả cao.
Thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là trong thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia; triển khai một số dự án công nghệ cao quy mô lớn. Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam năm 2017 tăng 12 bậc, xếp thứ 47/127 quốc gia, vùng lãnh thổ, cao nhất từ trước đến nay.
Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV (Ảnh: Quốc hội) |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai thực hiện Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia. Khẩn trương hoàn thành Khung chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; đổi mới mạnh mẽ, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp. Nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường lao động gắn với Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và công tác kiểm định chất lượng giáo dục.
Tình trạng “lạm thu” đầu năm học vẫn diễn ra ở nhiều nơi
Tuy nhiên, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân được Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN Trần Thanh Mẫn trình bày trước Quốc hội cho thấy, cử tri và Nhân dân ghi nhận việc kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 đã có những đổi mới theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho thí sinh, gia đình, xã hội.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn băn khoăn về điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào của một số trường đại học, cao đẳng và quy định về cộng điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học chưa hợp lý. Cách thức tổ chức và chất lượng học ngoại ngữ hiệu quả chưa cao; cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị ở một số nơi vẫn còn thiếu; chất lượng đào tạo sau đại học, dạy nghề còn hạn chế.
Đặc biệt, tình trạng “lạm thu” đầu năm học với nhiều khoản thu quá cao, bất hợp lý như việc thu nhiều khoản sai quy định ở Trường Tiểu học Lệ Xá, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Thậm chí có nơi buộc học sinh phải đóng góp xây dựng nông thôn mới như ở xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông.
Cử tri và Nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về tuyển sinh đại học, có chính sách khuyến khích học sinh giỏi thi vào các trường sư phạm; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ở địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học và dạy nghề để đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường lao động; chuẩn bị tốt việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, bảo đảm chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, cử tri cũng kiến nghị kiên quyết chấn chỉnh ngay tình trạng “lạm thu” trong các trường học. /.
Theo Bích Lan/VOV