UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 5

Thứ Tư, 17/05/2023, 08:46 [GMT+7]

Điện Biên TV - Ngày 16/5, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 5/2023, xem xét, cho ý kiến vào 11 nội dung tờ trình quan trọng. Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp. Dự phiên họp có đồng chí Giàng Thị Hoa, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; cùng đại diện lãnh đạo HĐND - UBND các huyện, thị xã, thành phố.

1
Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Tham gia vào nội dung Tờ trình của UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức học phí năm học 2022 - 2023 và mức học phí từ năm học 2023 - 2024 đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Cơ bản các đại biểu nhất trí với nội dung Tờ trình, tuy nhiên một số đại biểu cho ý kiến: Mức thu học phí giữa mức mới và cũ có sự chênh lệch nhau, đề nghị Sở Giáo dục làm rõ thêm: Vấn đề sử dụng kinh phí thu được sử dụng như thế nào... đồng thời  tập trung thảo luận vào mức thu năm học 2024 - 2025 theo Nghị định 81 của Chính phủ...

Về nội dung này, đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất mức thu đối với các bậc học. Cụ thể đối với cấp học Mầm non, Tiểu học, THCS bao gồm cả giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, mức thu là 50 nghìn đồng/tháng/học sinh. Đối với cấp học THPT và giáo dục thường xuyên cấp trung học là 100.000đ/tháng/học sinh. Đối với mức học phí năm học 2024 - 2025 vẫn giữ nguyên mức thu như năm học 2023 - 2024. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo Sở GD&ĐT phối hợp với văn phòng UBND tỉnh sớm hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ban thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương trước khi trình HĐND tỉnh.

Về nội dung Tờ trình ban hành Nghị quyết quy định chính sách trong Đề án hợp tác đào tạo giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Các đại biểu tham gia vào các nội dung về khung chính sách gồm: Chính sách đối với học sinh, cán bộ, công chức, viên chức các tỉnh Bắc Lào; chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Điện Biên tham gia bồi dưỡng tiếng Lào; Chính sách đối với giáo viên đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào... Thống nhất nội dung này, Chủ tịch UBND cơ bản nhất trí với nội dung Tờ trình, đồng thời nhấn mạnh: Đây là chính sách đặc thù cần tiếp tục thảo luận, trên cơ sở đánh giá tác động, cần phải điều chỉnh cho phù hợp, đề nghị Sở Giáo dục và đào tạo tiếp thu ý kiến, hoàn thiện Tờ trình để trình HĐND tỉnh.

Cho ý kiến vào nội dung Tờ trình ban hành Nghị quyết quy định phân chia nguồn thu tiền chậm nộp cho ngân sách các cấp chính quyền địa phương tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2022 - 2025, các đại biểu tham gia vào các nội dung đối tượng, phạm vi áp dụng, các khung chính sách cụ thể, mức chi, nguồn vốn chi thực hiện các dự án, chính sách... Về nội dung này, đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thống nhất, cơ bản nhất trí với các mức chi tại Tờ trình, đồng thời đề nghị Sở giáo dục đào tạo phối hợp với Sở Tài chính làm rõ nguồn kinh phí đảm bảo chi thường xuyên, diễn giải làm rõ, làm căn cứ trình HĐND tỉnh.

1
Đại biểu tham gia ý kiến tại phiên họp.

Đối với nội dung Tờ trình ban hành Nghị quyết quy định phân chia nguồn thu tiền chậm nộp cho ngân sách các cấp chính quyền địa phương tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2022 - 2025. Về nội dung này, một số đại biểu cho ý kiến cần điều chỉnh nội dung phân chia theo tỷ lệ.

Cùng nội dung Tờ trình ban hành Nghị quyết Quy định mức chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Điện Biên 2025. Các đại biểu tham gia vào các mức chi cho công tác tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; mức chi cho công tác cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất... Về nội dung này, đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thống nhất: Đối với người hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực hiện mức chi theo đúng quy định của Luật  Lao động.

Cho ý kiến về Tờ trình ban hành Nghị quyết quy định cơ chế huy động, sử dụng nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đa số các đại biểu đồng tình với nội dung dự thảo. Một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, nghiên cứu xây dựng dự thảo theo đúng bố cục để đảm bảo tính khoa học. Đồng thời cần tăng vốn ủy thác thông qua ngân hàng Chính sách Xã hội các cấp, nhằm đáp ứng, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại các nội dung nguồn vốn và hoàn thiện Tờ trình.

Các đại biểu cũng cho ý kiến về nội dung Tờ trình ban hành Nghị quyết quy định tỷ lệ phần trăm số lượng dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2021 - 2025.  Theo đó, trên cơ sở các nội dung về quy định và thực tế của tỉnh, đề xuất dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù thuộc nội dung đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia được phê duyệt tại Quyết định số 2035; đồng thời thống nhất đề xuất tổng mức đầu tư dự án không vượt quá 1 tỷ đồng/dự án.

Ngoài các nội dung Tờ trình trên, tại phiên họp lần này các đại biểu cũng tham gia ý kiến vào các Tờ trình ban hành Nghị quyết thông qua Đề án "Đảm bảo cơ sở vật chất cho Công an xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2022 - 2025; Tờ trình ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quy định chi tiết một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Điện Biên;

Tờ trình đề nghị thông qua Chính sách trong đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định về một số nội dung và mức chi hỗ trợ đối với cán bộ, nhân viên y tế làm công tác kiểm tra sức khỏe định kỳ, điều trị ngoại trú cho cán bộ trong diện quản lý, chế độ hội chẩn; Chế độ thăm hỏi đối với một số chức danh cán bộ của tỉnh Điện Biên.../.

 

 

Minh Thư - Chí Công/DIENBIENTV.VN

 

.