Gia tăng tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm an toàn giao thông

Thứ Ba, 16/05/2023, 17:01 [GMT+7]

Điện Biên TV - Mặc dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở nhưng tình trạng thanh thiếu niên vi phạm trật tự an toàn giao thông như sử dụng xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không đội mũ bảo hiểm, đi xe dàn hàng ngang, phóng nhanh, vượt ẩu vẫn còn diễn ra rất phổ biến trên địa bàn tỉnh. Nhiều vụ tai nạn giao thông từ những nguyên nhân trên đã dẫn đến tử vong. Thực trạng này đang là nỗi lo của nhiều gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Điển hình gần đây nhất là vào ngày 6/2/2023, trên tuyến quốc lộ 279 thuộc địa bàn huyện Mường Ảng, xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa ô tô và xe máy khiến 5 người bị thương và tử vong. Cụ thể, vào hồi 22h30 ngày 6/2/2023, tại Km 30+700 Quốc lộ 279 thuộc địa phận bản Bua 1, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng xảy ra va chạm giao thông giữa xe ô tô BKS 37C - 22889 do Phan Văn Nghệ, sinh năm 1984, trú tại xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An điều khiển theo hướng Tuần Giáo đi thành phố Điện Biên Phủ, trên xe chở 4 người, va chạm với xe mô tô không có biển kiểm soát đi theo hướng ngược lại.

1
Hiện trường vụ TNGT làm 5 người thương vong xảy ra tại bản Bua 1, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng tháng 2/2023. Đáng nói, cả 5 nạn nhân đều không đủ điều kiện về độ tuổi, không có giấy phép lái xe.

Trên xe mô tô có 2 người, gồm: Lò Văn Tài, sinh năm 2008, trú tại bản Co Muông, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng và Quàng Văn Huy, sinh năm 2008, trú tại bản Xuân Ban, xã Ngối Cáy, huyện Mường Ảng. Sau đó xe ô tô BKS 37C - 22889 mất lái lật nghiêng đè vào 3 người đi trên 2 xe mô tô khác mang BKS 27Y1-10245 và 27Y1-10285, gồm 3 người là Lò Văn Nam, Lù Văn Hiền và Lò Văn Nguyên, đều trú tại bản Tọ, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng. Hậu quả vụ tai nạn đã làm 4 người tử vong, 1 người bị thương nặng. Xe ô tô và 3 xe mô tô hư hỏng nặng.

Qua điều tra nguyên nhân gây ra tai nạn xuất phát từ nhiều yếu tố, song chủ yếu vẫn là do ý thức của người điều khiển phương tiện còn hạn chế. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, người điều khiển xe ô tô không có giấy phép lái xe, do đang bị lực lượng công an thu giữ để xử lý vi phạm hành chính vì vi phạm tốc độ. Cả 5 trường hợp ngồi trên 3 xe mô tô trong vụ tai nạn này đều không đủ điều kiện về độ tuổi, không có giấy phép lái xe điều khiển phương tiện xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông và qua quá trình cấp cứu, các y bác sỹ đã đo được các nạn nhân này đều có nồng độ cồn trong máu và hơi thở. 

Vụ tai nạn trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thanh thiếu niên vi phạm an toàn giao thông. Mặc dù chưa có số liệu cụ thể về số vụ vi phạm, song qua quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Điện Biên đã phát hiện rất nhiều trường hợp thanh thiếu niên, học sinh sử dụng xe mô tô, xe gắn máy vi phạm Luật Giao thông đường bộ như: Không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lạng lách đánh võng, nẹt pô, phóng nhanh vượt ẩu, gây mất an ninh trật tự, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác. Đáng chú ý là đa số các trường hợp này không có giấy phép lái xe, nhưng lại điều khiển những xe mô tô, xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 phân khối, thậm chí là cả xe mô tô trên 100 phân khối.

1
Nhiều thanh, thiếu niên bất chấp nguy hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách đánh võng, bốc đầu xe khi tham gia giao thông.

Điều đáng nói, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng hơn 14 nghìn xe gắn máy mang biển kiểm soát AA có dung tích dưới 50 phân khối, đa phần chủ nhân của những phương tiện này là học sinh THCS, THPT. Dù có dung tích thấp, nhưng loại xe này có thể di chuyển với vận tốc tối đa từ 70 đến 80km/h. Với lứa tuổi này, nhận thức còn hạn chế, lại không qua các khóa đào tạo sát hạch giấy phép lái xe, nên học sinh đa phần không nắm được Luật Giao thông đường bộ, kỹ năng điều khiển và xử lý tình huống, do đó tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Một thực tế đáng quan tâm nữa là tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập gây mất an ninh trật tự công cộng, chủ yếu là rơi vào đối tượng thanh thiếu niên có độ tuổi từ 14 đến 25 tuổi. Ở độ tuổi này các em có tâm lý muốn chứng tỏ bản thân,  cộng với sự phát triển của các ứng dụng mạng xã hội, việc tập hợp, lôi kéo các đối tượng đua xe trái phép trở nên dễ dàng hơn. Đặc biệt, nhiều trường hợp còn không chấp hành hiệu lệnh, có thái độ, lời lẽ thách thức cảnh sát giao thông. Hay khi thấy lực lượng cảnh sát giao thông ra hiệu dừng phương tiện thì tăng ga bỏ chạy, hành vi đó không chỉ gây nguy hiểm cho mình, mà còn đe dọa tính mạng người khác cùng tham gia giao thông trên đường.

Trước thực tế đó, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Điện Biên đã tăng cường công tác tuần tra kiểm soát vào những giờ cao điểm, về đêm để phân luồng, xử lý nghiêm những hành vi cố tình vi phạm. Đối với trường hợp vi phạm quy định khi tham gia giao thông ở độ tuổi dưới 18, việc đầu tiên, lực lượng công an liên lạc với phụ huynh đến trực tiếp cơ quan công an để thông báo về lỗi vi phạm của con em và phải cam kết với lực lượng công an không được giao xe cho con khi chưa đủ tuổi. Sau đó, sẽ gửi thông báo vi phạm của học sinh về các đơn vị trường học nhằm kết hợp với nhà trường thường xuyên tuyên truyền giáo dục, nhắc nhở các em.

1
Một trường hợp điểu khiển xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Song song với đó, lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra, theo dõi, nắm biển số xe thường xuyên vi phạm để gọi hỏi, răn đe. Đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng thanh, thiếu niên và học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, nẹt pô, bốc đầu. Bởi đây chính là nguyên nhân gây ra tai nạn cho bản thân cũng như những người tham gia giao thông khác.  

Thực tế cho thấy, đối tượng đáng quan tâm nhất về việc chấp hành luật giao thông là thanh thiếu niên bỏ học, lực lượng thanh niên lao động các nghề tự do, bởi lực lượng này rất ít được tiếp cận việc tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông. Với hình thức tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông đường bộ của các ngành, các cấp, các đoàn thể chủ yếu bằng cách họp dân triển khai, tuyên truyền, phổ biến thì hầu hết người dự là người lớn tuổi và học sinh, sinh viên, còn thanh niên lao động tự do thì rất ít.

Để ngăn ngừa, hạn chế tới mức thấp nhất những vụ việc trên, bên cạnh việc áp dụng biện pháp xử lý nghiêm minh, thích đáng thì cũng cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, nhà trường và gia đình; trong đó, các biện pháp giáo dục tuyên truyền nhằm nâng cao sự hiểu biết cho mọi người, nhất là giới trẻ được xem là giải pháp hiệu quả và bền vững./.

 

 

Trần Quỳnh - Anh Tuấn/DIENBIENTV.VN

 

.