Sửa đổi Luật Đất đai: Nhiều ý kiến liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng
Điện Biên TV - Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến sẽ được tiếp tục xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Đây là dự án luật đặc biệt quan trọng, nhận được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội. Bàn về dự án Luật này, các Luật sư và trợ giúp viên pháp lý trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có nhiều ý kiến tham gia về công tác giải phóng mặt bằng nhằm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương khi áp dụng.
Thực hiện Nghị quyết số 170 của Chính phủ về Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật sư Lê Đình Thu, Văn phòng Luật sư Công lý, Đoàn Luật sư tỉnh Điện Biên đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu dự thảo Luật và tham gia ý kiến.
Một trong những vấn đề được Luật sư Lê Đình Thu quan tâm nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng. Theo ông, nên sửa điểm b, khoản 2, điều 85 của văn bản dự thảo. Nếu theo dự thảo hiện nay, UBND xã chỉ có trách nhiệm phối hợp, còn người chủ trì phải chịu trách nhiệm là tổ chức làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng khi áp dụng vào thực tế sẽ không hợp lý.
Dành nhiều thời gian nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật sư Lê Đình Thu, Văn phòng Luật sư Công lý, Đoàn Luật sư tỉnh Điện Biên quan tâm nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng. |
Cùng có ý kiến về công tác giải phóng mặt bằng trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bà Phạm Thị Sáu, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh, cũng có ý kiến tham gia về khoản 2, Điều 72 về Thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia và công cộng.
“Để đảm bảo nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đầy đủ hơn liên quan đến việc thông báo thu hồi đất và chấp hành thông báo thu hồi đất, tôi đề nghị bổ sung những nội dung khi thông báo thu hồi đất trước thời hạn thì phải có văn bản xác nhận của người bị thu hồi đất. Việc này sẽ đảm bảo dự thảo văn bản đầy đủ, cũng như trong quá trình triển khai được thuận lợi. Tỉnh đang có chủ trương thực hiện nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội, việc này liên quan trực tiếp đến người dân khi bị thu hồi đất, bồi thường và bố trí tái định cư.” - bà Phạm Thị Sáu nêu ý kiến.
Có kinh nghiệm trong việc tư vấn pháp luật nhiều năm qua, bà Cao Thị Bình, Trợ giúp viên pháp lý cũng có ý kiến để tham gia vào dự thảo Luât đất đai sửa đổi. “Khi nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tôi có ý kiến như sau: Đối với cụm từ “đơn vị sự nghiệp công lập”, tôi đề nghị bỏ vì tránh rườm rà văn bản, vì cụm từ này đã có trong Luật Viên chức. Thứ hai, theo tôi cần giải thích rõ ràng về những hành vi bị cấm “không sử dụng đất” vì quy định như vậy thì không rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình áp dụng.” - bà Bình, nói.
Chỉ còn nửa tháng nữa sẽ hết thời hạn lấy ý kiến góp ý của Nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ngoài vấn đề về giải phóng mặt bằng, đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất, rất nhiều ý kiến đã được ghi nhận. Các ý kiến tâm huyết đang được các cơ quan nhà nước, mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp thu và sẽ được tổng hợp để cơ quan soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý tốt nhất dự án Luật./.
Đào Phương - Duy Hải/DIENBIENTV.VN