Điện Biên tạo đột phá từ chuyển đổi số
Điện Biên TV - Tạo thuận lợi tối đa trong quá trình thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh chỉ là một trong nhiều lợi ích mà quá trình chuyển đổi số mang lại. Được coi là lời giải cho bài toán phát triển trong tương lai, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin đang được tỉnh Điện Biên đẩy mạnh phát triển nhằm tạo đột phá trên tất cả các lĩnh vực theo đúng tinh thần của Quyết định số 749 ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Đến nay, 100% trung tâm xã, phường, thị trấn toàn tỉnh đã được kết nối internet băng rộng cố định. |
Cùng với các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, huyện Điện Biên đã xác định những mục tiêu cụ thể trong quá trình chuyển đổi số. Trong đó, tập trung vào đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền, từng bước xây dựng chính quyền số.
Đến nay, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống giao ban trực tuyến được triển khai từ cấp huyện đến 100% các xã trên địa bàn; 100% cơ quan, đơn vị, UBND xã được trang bị chữ ký số; 100% các thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4... Đồng thời, huyện cũng tập trung phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn.
Bà Lò Thị Bình, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Điện Biên cho biết: “Huyện Điện Biên xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, tất yếu. Về kinh tế số thì chúng tôi tạo điều kiện để hợp tác xã, công ty thực hiện chuyển đổi số; tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch truyền thông và hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Về xã hội số dịch vụ viễn thông phát triển khá nhanh, chất lượng dịch vụ được nâng lên, mạng lưới viễn thông, internet tiếp tục phát triển đến các xã vùng sâu, vùng xa.”
Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã triển khai, ứng dụng hiệu quả các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành do các bộ, ngành Trung ương triển khai. Đối với ngành Thuế, chuyển đổi số được áp dụng vào các khâu quản lý thuế với hàng chục ứng dụng nghiệp vụ khác nhau như: Ứng dụng đăng ký thuế, quản lý kê khai và kế toán thuế; đặc biệt là các dịch vụ thuế điện tử như: Etax, hỗ trợ kê khai, nộp thuế qua eTaxMobile...
Đến nay, Cục Thuế tỉnh đã tiếp nhận gần 1.600 doanh nghiệp, tổ chức, hộ kê khai đăng ký thành công sử dụng hóa đơn điện tử, đạt 100% kế hoạch; 100% hồ sơ khai thuế, đăng ký nộp thuế, hoàn thuế được thực hiện bằng phương thức điện tử.
Vừa qua, tại Hội nghị phát động hưởng ứng ngày chuyển đổi số Quốc gia và ngày chuyển đổi số tỉnh Điện Biên, tỉnh đã Ký kết Biên bản hợp tác về chuyển đổi số tỉnh Điện Biên giai đoạn 2022-2025. |
Ông Dương Duy Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Điện Biên cho biết: “Để thực hiện chiến lược cải cách, hiện đại hóa ngành Thuế, Cục Thuế tỉnh Điện Biên cũng là một đơn vị triển khai chương trình, kế hoạch chỉ đạo của Tổng cục Thuế như: Chương trình kê khai thuế qua mang, nộp thuế điện tử… Bên cạnh đó, năm 2022, việc áp dụng nộp thuế điện tử thì Cục Thuế tỉnh cũng là một trong những đơn vị hoàn thành đúng kế hoạch của Tổng cục Thuế."
Với quyết tâm tạo bước đột phá trong chuyển đổi số, tỉnh Điện Biên đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính và cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi.
Đến nay, về hạ tầng số, toàn tỉnh có trên 98% thôn, bản phủ sóng điện thoại 2G; 100% trung tâm xã, phường, thị trấn kết nối internet băng rộng cố định.
Về phát triển chính phủ số, hệ thống văn bản và điều hành của tỉnh đã được kết nối vào trục liên thông văn bản quốc gia, các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh; trên 3 triệu văn bản được trao đổi trên hệ thống; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên mức độ 4.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo an toàn thông tin mạng, phát triển kinh tế số, xã hội số… cũng được tỉnh quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Tại hội nghị phát động hưởng ứng ngày Chuyển đổi số Quốc gia và ngày chuyển đổi số tỉnh Điện Biên 10/10/2022, bên cạnh những quyết tâm trong quá trình thực hiện, nhiều giải pháp được tỉnh đề ra nhằm ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số vào tất cả lĩnh vực trong thời gian tới.
Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Tỉnh sẽ quan tâm tập trung chỉ đạo, khắc phục những hạn chế bất cập nhằm đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra về chuyển đổi số; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nhằm thúc đẩy thương mại điện tử, kinh tế số, xã hội số; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trên môi trường số. Đồng thời, đầu tư xây dựng hoàn thiện các nền tảng số; thực hiện tích hợp kết nối, chia sẻ liên thông dữ liệu ngành, địa phương với hệ thống cơ sở dữ liệu của Quốc gia. Cải thiện chất lượng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến để phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách dễ dàng, thuận tiện, minh bạch. Điện Biên phấn đấu duy trì và tăng vị trí thứ hạng của tỉnh trong bảng xếp hạng chuyển đổi số của cả nước.”
Cùng với đó, ngày 6/12/2021, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu, giải pháp, ưu tiên chuyển đổi số cụ thể. Những định hướng rõ ràng trong hiện tại và tương lai là cơ sở để Điện Biên phát triển nền tảng cần thiết, vững vàng, đưa chuyển đổi số thành công hòa nhập với xu thế chung của cả nước.
Phương Dung - Ngọc Hải/DIENBIENTV.VN