Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Không có chuyện "khai tử" môn Lịch sử

Thứ Năm, 09/06/2022, 18:49 [GMT+7]

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 9/6, trong đó có vấn đề môn Lịch sử đang được nhiều cử tri quan tâm.

fd
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Bảo đảm việc học Lịch sử luôn được tăng cường và chú trọng

Tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 9/6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã làm rõ một số vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) đề nghị Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã có chỉ đạo gì trước thông tin môn Lịch sử sẽ là môn tự chọn trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.

fd
Đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên)

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó quy định bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở có tri thức phổ thông, nền tảng đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn hậu sau phổ thông có chất lượng.

Theo các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, giáo dục phổ thông 12 năm gồm hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp trung học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp cấp trung học phổ thông 3 năm.

Trong đó, giáo dục cơ bản đảm bảo cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, tại giai đoạn này, lịch sử là môn bắt buộc. Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm cho học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn sau phổ thông có chất lượng, ở giai đoạn này, lịch sử được bố trí là bộ môn học trong tổ hợp khoa học xã hội.

"Môn Lịch sử được dạy ở tất cả các trường trung học phổ thông, bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên lịch sử hiện có. Một số ý kiến của cử tri cho rằng môn Lịch sử là môn lựa chọn, dẫn đến việc bỏ, khai tử môn Lịch sử. Thực tế không phải như vậy" - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, môn Lịch sử được phân theo hai giai đoạn như vậy vẫn đảm bảo được vẫn có môn Lịch sử. Trước các ý kiến của cử tri, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe ý kiến của cử tri, ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam liên quan đến chương trình giáo dục môn Lịch sử cấp Trung học phổ thông; tổ chức hội thảo với các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học để thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, đề xuất phương án phù hợp, bảo đảm việc học tập môn Lịch sử luôn được tăng cường và chú trọng.

Triển khai Chương trình phục hồi KT-XH nhanh hơn, hiệu quả hơn

Cũng tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã trình bày báo cáo giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước quan tâm.

Theo đó, dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát tốt trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển KT-XH. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi; khu vực nông nghiệp phát triển ổn định; khu vực dịch vụ phục hồi nhanh.

fd
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN

So với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 5 tăng 10,3%, 5 tháng tăng 9,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 5 tháng ước đạt 7,71 tỷ USD, tăng 7,8%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 5 ước đạt 62,69 tỷ USD, tăng 14,5%, tính chung 5 tháng đạt 305,1 tỷ USD, tăng 15,6%; xuất siêu 516 triệu USD; thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm đạt 806,4 nghìn tỷ đồng, bằng 57,1% dự toán năm và tăng 18,7% so với cùng kỳ.

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, dự báo tích cực hơn về kinh tế Việt Nam. Trong đó, chỉ số phục hồi COVID-19 tăng 48 bậc, lên vị trí thứ 14; xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+, triển vọng "Ổn định"; chỉ số Chính phủ tốt năm 2022 tăng 4 bậc...

Các hoạt động chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được triển khai tích cực, hiệu quả; an sinh xã hội được bảo đảm; đã xuất cấp trên 27.000 tấn gạo cứu đói và cứu trợ thiên tai.

Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trở lại bình thường. SEA Games 31 được tổ chức chu đáo, an toàn, thành công trên nhiều mặt. Các lĩnh vực môi trường, cải cách hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh; một số công việc tồn đọng nhiều năm như tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án thua lỗ kéo dài từng bước được xử lý; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và có những chuyển biến tích cực.

Trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Việt Nam vừa được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77.

Về kết quả triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đến hết tháng 5/2022 đã thực hiện khoảng 33,5 nghìn tỷ đồng, trong đó, miễn, giảm thuế, phí 22,6 nghìn tỷ đồng (đạt khoảng 35% kế hoạch). Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 4.869 tỷ đồng cho 4/5 chương trình tín dụng chính sách của Chương trình. Các địa phương đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho 2.431 người theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, thời gian tới, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan khắc phục mọi khó khăn, triển khai Chương trình nhanh hơn và hiệu quả, thực chất.

Link: https://vtv.vn/chinh-tri/pho-thu-tuong-pham-binh-minh-khong-co-chuyen-khai-tu-mon-lich-su-20220609171750525.htm

 

 

Theo VTV

.