Làm gì để phòng bệnh tăng huyết áp?
Bệnh tăng huyết áp được ví như "kẻ giết người thầm lặng" vì đây là nguyên nhân gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của người bệnh.
Theo Bộ Y tế, hiện nay tại Việt Nam, trung bình cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh tăng huyết áp, tương đương 12 triệu người. Mặc dù là căn bệnh phổ biến và nguy hiểm nhưng tỷ lệ người biết và có ý thức phòng tránh căn bệnh này còn thấp. Cụ thể là trong số 12 triệu người mắc bệnh có tới hơn một nửa chưa được phát hiện và trên 80% số người chưa được điều trị.
BSCKI. Trần Văn Quý, Phó Khoa Tim mạch, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết: Tăng huyết áp ở người lớn đại đa số là không có căn nguyên, chỉ một số nhỏ dưới 5% là tăng huyết áp có căn nguyên (tức là do hậu quả của một số bệnh lí khác). Phần lớn bệnh nhân tăng huyết áp không có triệu chứng, tuy nhiên khi huyết áp tăng người bệnh thường có các dấu hiệu: Nhức đầu, chảy máu mũi, vết máu trong mắt hoặc xuất huyết kết mạc, tê hoặc ngứa ran các chi, buồn nôn và nôn, choáng và chóng mặt, đau tim...
Theo thống kê tại Phòng khám Tim mạch, Bệnh viện Bãi Cháy, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 70 - 80 người bệnh đến khám bệnh thì có tới 15 - 20 bệnh nhân phải nhập viện điều trị do mắc bệnh tăng huyết áp đơn thuần và bệnh nhân bị các biến chứng như: nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, suy tim, tai biến mạch não, suy thận...
Ông P.M.D., 68 tuổi, trú tại TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh, phát hiện bị tăng huyết áp từ năm 2013, đến năm 2016 ông đã bị biến chứng tim mạch phải can thiệp đặt stent mạch vành.
Ông D. cho biết: "Tôi bị tăng huyết áp và bị biến chứng tim mạch đã được các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy đặt stent mạch vành cho tôi năm 2016. Mấy hôm trước khi vào viện, tôi thấy người mệt, tim đập không đều, vào viện được các bác sĩ chẩn đoán: Bệnh lý não do tăng huyết áp/ Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn - stent cũ LAD. Hơn 1 tuần điều trị, đến nay sức khỏe tôi đã ổn định".
Để phòng tránh và kiểm soát tốt bệnh tăng huyết áp, BSCKI. Trần Văn Quý khuyến cáo: Người dân cần có một lối sống lành mạnh. Trong chế độ ăn, nên hạn chế ăn mặn, chỉ nên ăn 5g muối/ngày, tương đương một thìa cà phê; ít ăn thức ăn nhiều chất béo, thức ăn chế biến sẵn như mỡ, nội tạng động vật, dưa cà muối, thịt nguội, xúc xích…; hạn chế uống bia rượu, không hút thuốc lá, thuốc lào; nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả.
Bên cạnh đó, cần duy trì cân nặng hợp lý, không để béo phì. Cần luyện tập thể dục thể thao đều đặn, tối thiểu 30 phút mỗi ngày; tránh lo âu, căng thẳng. Đo huyết áp thường xuyên để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh.
Link: https://vtv.vn/suc-khoe/lam-gi-de-phong-benh-tang-huyet-ap-20220517152812336.htm
Theo VTV